Monday, 22:38 29/01/2018
Giá dầu Brent giảm nhẹ do sản lượng khai thác ở Bắc Mỹ tăng
Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu Brent quay đầu đi xuống do sản lượng tăng ở Bắc Mỹ đã hạn chế nỗ lực cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga.
Giá dầu Brent giao dịch ở mức 70 USD/thùng, mất 19 xu Mỹ so với đóng cửa cuối cùng ở phiên trước đó với 70,34 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ ở mức 66,19 USD/thùng, tăng 5 xu Mỹ.
Các nhà phân tích cho biết giá dầu Brent trong phiên giao dịch này chịu áp lực mất giá từ việc sản lượng tăng ở Bắc Mỹ.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng hơn 17% kể từ giữa năm 2016 lên 9,88 triệu thùng/ngày vào giữa tháng 1 năm nay. |
Theo số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng hơn 17% kể từ giữa năm 2016 lên 9,88 triệu thùng/ngày vào giữa tháng 1 năm nay và được dự đoán sẽ sớm vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày. Các công ty khai thác dầu của Mỹ đã thêm 12 giàn khoan dầu trong tuần trước lên 759 giàn.
Sản lượng dầu của Mỹ đã xấp xỉ với nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Ả Rập Saudi, và chỉ xếp sau Nga với sản lượng trung bình lên đến 10,98 triệu thùng/ngày trong năm 2017.
Bên cạnh đó, báo cáo cho thấy sản xuất dầu của Canada, hiện ở mức 335.000 thùng/ngày, có thể sẽ bắt đầu gia tăng trở lại. Sản lượng dầu thô của Canada hiện đang đứng ở mức 4,2 triệu thùng/ngày. Tập đoàn Total cho biết họ đã bắt đầu khai thác dầu cát tại Fort Hill và sản lượng dự kiến sẽ đạt mức 180.000 thùng/ngày trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định thị trường dầu trong dài hạn vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu toàn cầu tăng cao, đồng USD suy yếu và việc tiếp tục cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga, bất chấp sản lượng của Mỹ ngày càng tăng.
Các thị trường dầu mỏ được hỗ trợ từ nỗ lực hạn chế nguồn cung của OPEC và Nga bắt đầu từ tháng 1/2017 đến hết năm nay. Việc hạn chế nguồn cung này kết hợp với tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ cao đã góp phần đẩy giá dầu lên gần 60% kể từ giữa năm 2017.
Theo các thương nhân, thị trường năng lượng cũng được hỗ trợ từ đà đi xuống của đồng bạc xanh, đã giảm hơn 3% so với rổ các đồng tiền chủ chốt kể từ đầu năm nay và mất gần 13% kể từ tháng 1/2017.
Ngân hàng America Merrill Lynch cho biết: “Chính sách tài chính nới lỏng tại Mỹ, sự phục hồi tăng trưởng ở châu Âu và đà tăng trưởng tại các thị trường mới nổi tăng tốc đã làm đồng USD suy yếu nhưng lại đẩy giá dầu tăng mạnh”.
Ngân hàng Mỹ JP Morgan cũng dự báo giá dầu trung bình năm 2018 sẽ tăng 10 USD lên 70 USD/thùng đối với dầu Brent và 10,70 USD lên 65,63 USD/thùng đối với dầu ngọt nhẹ WTI. Riêng dầu Brent có thể chạm mốc 78 USD/thùng vào cuối quý I/2018 hoặc đầu quý II của năm nay.