Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giá dầu tăng hơn 3%, ghi nhận tuần leo dốc thứ 4 liên tiếp

Kinhtedothi - Tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ WTI và dầu Brent Biển Bắc đều vọt lên 3,2% do thị trường tăng kỳ vọng Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhiều khả năng sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018.

Những dự đoán về việc OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau thời điểm tháng 3/2018 là một trong những nhân tố chính hỗ trợ tích cực cho đà đi lên của giá dầu trong tuần này.
OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm nay nhằm hạn chế tình trạng dư cung và hỗ trợ giá dầu thế giới. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 3/2018.
Ả Rập Saudi và Nga đã lên tiếng ủng hộ tiếp tục duy trì thỏa thuận này. Theo Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo, sự ủng hộ của Nga và Ả Rập Saudi đã làm tình hình trở nên rõ ràng hơn trước cuộc họp của OPEC vào ngày 30/11tới  tại Vienna (Áo).
Giá dầu ngọt nhẹ WTI và dầu Brent Biển Bắc đều vọt lên 3,2%. 
Sau thông tin này, trong hai phiên giao dịch liên tiếp đầu tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI và Brent đồng loạt tăng. Trong tháng 10 vừa qua, giá dầu Brent tăng trên 6,7%, trong lúc giá dầu WTI tăng 5,2%. 
Giá dầu bất ngờ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 1/11 do các nhà giao dịch lo ngại rằng các nhà sản xuất dầu thô tại Mỹ sẽ tìm thấy động cơ để nâng sản lượng sau đợt tăng gần đây của giá dầu.
Tuy nhiên, thị trường dầu thế giới lại khởi sắc trong hai phiên giao dịch cuối tuần này. 
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 27/10 giảm 2,4 triệu thùng, thấp hơn dự báo giảm 5,1 triệu thùng của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), nhưng cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 1,4 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu trong tháng 10 của OPEC đã giảm 80.000 thùng/ngày xuống 32,78 triệu thùng dầu/ngày, nâng mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của khối này lên 92%, cao hơn  mức 86% của tháng trước đó. 
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh vào ngày thứ Sáu, trong đó cả hai loại dầu WTI và dầu Brent đều đóng cửa với mức giá cao nhất trong hơn 2 năm khi sự suy yếu của số giàn khoan dầu tại Mỹ gợi ý khả năng sụt giảm của sản lượng.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định: “Yếu tố cuối cùng thúc đẩy giá dầu tăng mạnh gần cuối phiên là sự sụt giảm của số giàn khoan dầu tại Mỹ. Điều này kết hợp cùng với dữ liệu gần đây cho thấy nhu cầu dầu thô nhảy vọt và dự trữ dầu tại Mỹ suy yếu đã hỗ trợ đà phục hồi mạnh mẽ của giá dầu”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 1,10 USD (tương đương 2%) lên 55,64 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 2/7/2015. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 3,2%, đồng thời ghi nhận 4 tuần tăng giá liên tiếp.
Giá dầu Brent tăng 1,45 USD (tương đương 2.4%) lên 62,07 USD/thùng, qua đó nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 3,2%. Hợp đồng này cũng đóng cửa tại mức cao nhất trong hơn 2 năm.
Tyler Richey, đồng biên tập tại Sevens Report, cho biết: “Những nỗ lực thuyết phục của OPEC đã thu hút nhiều sự chú ý, nhưng kỳ vọng nhu cầu toàn cầu tăng mạnh cùng với sự chững lại của tăng trưởng sản lượng tại Mỹ bắt đầu từ tháng 8 vừa qua là 2 nhân tố quan trọng góp phần cho đà leo dốc của giá dầu hiện nay”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 2/11 cho biết nếu cần thiết, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên trong và ngoài OPEC có thể được gia hạn đến cuối năm 2018 sau khi hết hạn vào tháng 3/2018. Thị trường kỳ vọng OPEC sẽ quyết định kéo dài thỏa thuận cắt giảm khi nhóm họp tại Vienna vào ngày 30/11 tới.
Trong những nhân tố góp phần tạo lợi thế cho thị trường năng lượng thời gian qua phải kể tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc. Hiện nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nhập khẩu khoảng 9 triệu thùng dầu/ngày, vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng sản lượng khai thác dầu tại Mỹ đã chậm lại. Theo dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 3/11 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ mất 8 giàn còn 729 giàn, đồng thời ghi nhận tuần sụt giảm thứ 4 trong 5 tuần.
Giá dầu cũng nhận được hỗ trợ từ đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế thế giới, qua đó giúp nâng cao nhu cầu và làm giảm tình trạng dư cung, vốn đã gây sức ép lên giá dầu trong 3 năm gần đây. Dữ liệu công bố ngày 3/11 cho thấy chỉ số dịch vụ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) trong tháng 10 tiến lên đỉnh 12 năm.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu WTI đã vọt 25% còn giá dầu Brent leo dốc 34%.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ