Monday, 22:22 01/07/2019
Giá dầu tăng vọt nhờ OPEC+ sẵn sàng kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung
Kinhtedothi - Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ chạm mức cao nhất 5 tuần trong phiên 1/7 nhờ kỳ vọng OPEC và các đồng minh có thể gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng ít nhất đến cuối năm 2019.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 9 tăng 1,89 USD lên mức 66,75 USD/thùng. Giá dầu Brent giao hàng tháng 8 chốt phiên giao dịch trước đó ở ngưỡng 66,55 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 8 nhích 1,67 USD lên 60,14 USD/thùng sau khi có thời điểm trong phiên giao dịch ngày 1/7 đạt tới 60,28 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất trong hơn 5 tuần gần đây.
Ngày 1/7, Iran và Venezuela - một thành viên khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cùng với các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu, gồm Ả Rập Saudi, Nga và Iraq, đều ủng hộ chính sách cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu mỏ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại.
OPEC, Nga và các nhà sản xuất khác, còn gọi là Nhóm OPEC+ sẽ nhóm họp trong ngày 1-2/7 để thảo luận chính sách điều hành sản lượng “vàng đen trong khi sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng liên tục.
Nhà phân tích Tamas Varga của trung tâm PV nhận xét: “Rõ ràng, các nước trong và ngoài OPEC sẵn sàng hy sinh thị phần để giữ thị trường dầu mỏ cân bằng hơn. Kỳ vọng này đã giúp 2 mặt hàng dầu chính đều tăng vọt hơn 1,50 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm nay”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/6 nói rằng ông đã nhất trí với Ả Rập Saudi về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ ngày thêm 6 đến 9 tháng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cho biết, thời gian thực hiện cắt giảm sản lượng có thể được tăng lên 9 tháng, nhưng lượng dầu cắt giảm vẫn được giữ nguyên ở mức như hiện tại.
“Nếu Nga, Ả Rập Saudi và các thành viên chủ chốt khác của OPEC tiếp tục cắt giảm sản xuất ở mức đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm nay, họ sẽ giúp thị trường tránh được tình trạng dư thừa nguồn cung và giá dầu sẽ duy trì từ 60 - 70 USD/thùng”, chuyên gia dầu mỏ Bjarne Schieldrop của SEB cho hay.
Giá dầu thế giới đã chịu áp lực giảm mạnh trong những tháng gần đây do nguồn cung của Mỹ ngày càng tăng và kinh tế toàn cầu tăng chậm lại. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục mới 12,16 triệu thùng/ngày trong tháng 4.
Trong khi đó, thị trường tài chính thế giới khởi sắc trong ngày 1/7 nhờ xung đột thương mại Mỹ - Trung tạm hạ nhiệt sau khi các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hôm 29/6 đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán song phương. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Citi vẫn hoài nghi rằng Bắc Kinh và Washington có thể sớm đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại đang kéo dài.