Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giá vé máy bay cao do đường bay nội địa thiếu sức cạnh tranh

Kinhtedothi - Giá vé máy bay dự kiến vẫn còn cao do chi phí nhiên liệu, chênh lệch tỉ giá và lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney khiến số máy bay phải dừng khai thác tiếp tục tăng, tới năm 2025 mới giảm dần.

Thiếu hụt máy bay kéo dài

Những tháng đầu năm nay, giá vé máy bay tăng dao động từ 15 - 17% tùy vào đường bay, ngày bay và giờ bay. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vietnam Airlines, đại diện hãng bay chia sẻ giá vé máy bay tăng để bù đắp chi phí.

Trên thực tế, dù không vượt trần nhưng áp lực dồn lên giá vé khiến hàng không vừa đối diện với làn sóng quay lưng của khách hàng, vừa loay hoay giải bài toán cung tải.

Theo ông Đặng Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines: “Giá vé máy bay tăng không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra trên toàn cầu, thời gian và mức tăng khác nhau. Các nước trên thế giới đã tăng giá vé máy bay vào cuối 2023 với mức từ 30 - 32%, hãng bay Việt Nam bắt đầu điều chỉnh giá vào khoảng đầu năm nay”.

Về nguyên nhân giá vé máy bay tăng, ông Đặng Anh Tuấn cho biết các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu cao, chênh lệch tỷ giá, thiếu đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng máy bay, vấn đề thiếu hụt nhân lực.

Theo thạc sỹ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương, những khó khăn về thiếu đội tàu bay và chi phí khai thác đòi hỏi các hãng hàng không phải nâng cao năng lực quản trị điều hành sản phẩm và giá cả. Tìm cách cân đối thu chi để giảm giá thành đối với vé máy bay nội địa.

Tại Hội thảo hàng không - du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, giá vé máy bay thời gian qua tăng do thị trường hàng không nội địa thiếu sức cạnh tranh.

Trong khi Thái Lan có nhiều hãng cùng khai thác, giá vé cạnh tranh hơn thì ở Việt Nam chỉ có 2 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines và Vietjet chiếm thị phần gần như toàn bộ trong nước. Việc giá vé tăng cao sẽ khiến khách nội địa lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước.

Vietnam Airlines và Vietjet chiếm thị phần gần như toàn bộ trong nước.

Ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Bamboo Airways nhận định, giá vé máy bay chỉ giảm khi số lượng tàu bay tăng lên. Nhưng việc thiếu máy dự kiến còn kéo dài đến năm 2025 sẽ tiếp tục đẩy hàng không Việt Nam vào thế khó trong thời gian tới.

Muốn giải quyết bài toán này, đòi hỏi phải tìm thêm những giải pháp cũng như cần hài hoà lợi ích của các bên để chia sẻ khó khăn cùng phát triển.

Cần thêm chính sách khuyến khích

Để góp phần giảm áp lực giá vé máy bay nội địa, theo ông Hoàng Nhân Chính, các hãng bay cần loại bỏ ngay khoản phí thanh toán vé (50.000 đồng/khách/chặng). 

Chính phủ cần có chính sách giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021. Đồng thời, xem xét trình Quốc hội điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các hãng hàng không quốc tế đầu tư vào Việt Nam, theo hướng tăng tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài lên tối đa 49% thay vì 34% như hiện nay.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm đề nghị các hãng hàng không tăng hiệu suất sử dụng tàu bay. Khuyến khích các hãng hàng không tạo ra những sản phẩm khuyến mại, mở thêm đường bay, tăng cường chất lượng dịch vụ.

Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong bối cảnh khó khăn về đội bay nói chung, các hãng hàng không đang hợp tác cùng nhau để chia sẻ về kinh nghiệm, cách bảo dưỡng tàu bay để có thể khai thác tàu bay nhiều nhất và hiệu quả nhất.

Các hãng hàng không đang nghiên cứu tìm và thuê thêm máy bay.

Hãng cũng chủ động dừng một số máy bay trong giai đoạn thấp điểm để giữ giờ động cơ, nhằm giảm số lượng máy bay dừng trong giai đoạn cao điểm. Song song với việc trao đổi với nhà sản xuất động cơ để có được những hỗ trợ phù hợp, hãng đang nghiên cứu tìm và thuê thêm máy bay để đảm bảo nhu cầu vận tải. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch thanh lý máy bay A321CEO để đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách.

Đối với thị trường nội địa, hãng đã điều chỉnh tần suất bay để phù hợp với nhu cầu thị trường, duy trì thị phần chính trên các đường bay trọng điểm và tăng tải trên đường bay du lịch. Duy trì chặt chẽ các chương trình tiết kiệm và quản trị chi phí, tìm kiếm cơ hội đàm phán giảm, giãn, hoãn thanh toán.

Để duy trì cân đối dòng tiền, Vietnam Airlines đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và thực hiện các biện pháp tối ưu hóa chi phí, doanh thu, quản trị tài chính hiệu quả.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel cho rằng, hiện các hãng đang bay thuê, tương tự như bay gia công, tất cả đều của người khác, từ cái lốp, ốc vít đến phần mềm check - in và check - out. Chúng ta chỉ có con người và thị trường. “Đã đến lúc ngành hàng không ngồi lại với nhau và Chính phủ cũng phải hỗ trợ ngành hàng không để đưa ra một chính sách, chiến lược phát triển hàng không. Nếu không chúng ta chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề của hàng không hiện nay…” - ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định.

 

Giá vé máy bay đã minh bạch?

Giá vé máy bay đã minh bạch?

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

17/01/2025 | 21:58

Kinhtedothi- Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở GTVT Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công đào đường, hè trên địa bàn TP từ ngày 22/1 - 12/2/2025.

Tin tài trợ