Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giải pháp phát triển thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh

Kinhtedothi - Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), vừa có văn bản gửi UBND đề xuất 9 giải pháp nhằm phát triển thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh.

Theo HoREA, TP Hồ Chí Minh là thành phố sông nước, nhiệt đới, với điểm nhấn là sông Sài Gòn; là thành phố của người nhập cư qua chiều dài lịch sử hình thành và phát triển. Đồng thời là thành phố động lực của Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, của khu vực và cả nước, nên thị trường BĐS thành phố có khả năng phát triển rất lớn và bền vững, trước hết như: Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ, văn phòng làm việc, công nghiệp, y tế, giáo dục, thương mại, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước và người nước ngoài.
 Nhu cầu nhà ở tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn, do quy mô dân số đã lên đến gần 13 triệu người
Bắt nguồn từ thực tế đó, để phát triển thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh HoREA đề xuất:

1. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật: Trước hết, đề nghị Quốc hội thông qua dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh” nhằm điều chỉnh hiệu quả nền kinh tế và thị trường BĐS, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn; nhằm xây dựng, phát triển thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh và bền vững.

2. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông, đơn giản, minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng.

3. Công cụ về thuế: Để khuyến khích thị trường tăng trưởng cần áp dụng thuế suất thấp đánh trên thu nhập do chuyển nhượng BĐS; Để điều tiết khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng thuế suất cao, kể cả áp dụng thuế suất rất cao khi chuyển nhượng BĐS sau khi tạo lập trong năm đầu tiên; Để khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước áp dụng thuế GTGT 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.

4. Công cụ về tín dụng: Để khuyến khích thị trường BĐS tăng trưởng cần áp dụng chính sách tín dụng nới lỏng, lãi suất thấp, điều kiện thẩm định cho vay dễ dàng. HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng “Quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng” theo hướng khuyến khích chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khách hàng đều mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng, để tạo điều kiện cho ngân hàng giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp cho chủ đầu tư và các bên liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

5. Công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, phát triển dự án nhà ở: Nhà nước cần chấp thuận cho nguồn cung quỹ đất ra thị trường nhiều hơn, chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án BĐS hơn. HoREA đề xuất giao thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (bổ sung) giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân để đảm bảo đáp ứng kịp nhu cầu đầu tư phát triển.

6. Các công cụ kiểm soát rủi ro trên thị trường BĐS, bảo vệ người tiêu dùng BĐS: Pháp luật cần quy định cơ chế, chính sách bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng; phải xây dựng xong phần móng chung cư; phải được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn; phải giải chấp hoặc được ngân hàng nơi nhận thế chấp có văn bản chấp thuận trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai. Các biện pháp này nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh, bền vững.

7. Thực hiện cơ chế phối hợp giữa 5 nhà, gồm: Nhà đầu tư phát triển dự án; Nhà thầu thi công; Nhà cung ứng vật tư, trang thiết bị; Nhà băng (Ngân hàng); Nhà nước.

8. Thực hiện cơ chế xã hội hóa đầu tư theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, thông qua các hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), hoặc hợp tác công - tư (PPP).

9. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thành phố là hướng phát triển nền tảng để đảm bảo an sinh xã hội và thị trường BĐS thành phố phát triển lành mạnh, bền vững.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cho biết: “Để giải quyết nhu cầu nhà ở trước sức ép gia tăng dân số tại TP Hồ Chí Minh đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo Thành phố, các sở ngành cùng các doanh nghiệp. Trong đó, công cụ về tín dụng không chỉ khuyến khích thị trường tăng trưởng mà còn giúp cho chủ đầu tư và các bên liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng”.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ