Kinhtedothi - Ngày 15/12/2022, tại Hà Nội, báo Kinh tế&Đô thị phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến Giải pháp thực hiện chỉ tiêu văn hoá trong chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội, trong đó các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến cho vấn đề số hoá di sản.
Thăng Long – Hà Nội có hệ thống di sản đa dạng, phong phú với gần 6.000 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách bảo vệ. Nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai, thực hiện việc số hoá di sản. Ông đánh giá thế nào về quá trình số hoá di sản của Hà Nội từ khi triển khai đến nay, quá trình triển khai số hoá di sản ở Hà Nội, có những ưu điểm và hạn chế thế nào?
TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội
Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Riêng ở lĩnh vực văn hóa, di sản, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, di sản. Đây chính là cầu nối đưa các di tích, di sản đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số di sản, nhiều địa phương, đơn vị sở hữu di sản bước đầu có những nỗ lực trong tiếp cận các thành quả công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng cho di sản, tiêu biểu là Hà Nội.
Hà Nội hội tụ gần như đầy đủ các loại hình di sản văn hóa với những giá trị nổi trội, đồng thời là nơi có nhiều dấu ấn trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, triển khai có bài bản và hiệu quả công tác số hoá di sản, TP Hà Nội đã khơi dậy tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục lịch sử, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh; tạo cơ sở phát triển bền vững cho một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của TP.
Đơn cử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc số hóa tạo ra một kho dữ liệu giúp lưu trữ một cách lâu dài những hình ảnh, thông tin về toàn bộ di tích, từ những kiến trúc, trang trí, hệ thống bia đá cho đến những vấn đề truyền thống khoa cử, truyền thống hiếu học hay thân thế, sự nghiệp của những vị Đại khoa. Song, được quan tâm nhiều nhất hiện nay chính là ứng dụng công nghệ 4.0 cho việc phát huy giá trị.
Nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có thể tạo ra hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia Tiến sĩ, tái hiện không gian di tích những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D…
Những công nghệ này giúp khách tham quan tìm hiểu một cách kỹ càng và đầy thú vị về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong môi trường “ảo mà như thật”; xây dựng những tour tham quan ảo 3D hấp dẫn. Những công nghệ này cũng đều nằm trong “tầm tay” khi các công nghệ 4.0 mới nhất đều đã có mặt ở Việt Nam.
Với lịch sử Thăng Long - Hà Nội hơn 1.000 năm văn hiến, Thủ đô có 3 thế mạnh, ưu điểm trong triển khai số hoá di sản. Thứ nhất, Hà Nội là TP có điều kiện đi đầu trong khoa học công nghệ; Thứ hai, Hà Nội phong phú về số lượng (theo thống kê sau khi mở rộng địa giới hành chính là hơn 5.000 di sản), thể loại di sản văn hoá. Trong đó, nhiều di sản văn hoá của thế giới, tiêu biểu như Hoàng thành Thăng Long, di sản ký ức thời đại – bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thứ 3, Hà Nội là điểm đến thú vị, hấp dẫn đối với du khách quốc tế, di sản là tài nguyên cần phải khai thác. Thời gian qua, Hà Nội đã và đang triển khai số hoá di sản khá tốt, toàn diện. Tôi cho rằng, điều này thể hiện rõ qua những chủ trương, mong muốn của Hà Nội khi tham gia mạng lưới cách thành phố sáng tạo của UNESCO. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chủ trương số hoá phải được triển khai khai nhanh, sâu rộng, tăng tốc hơn nữa để đem lại hiệu quả tốt hơn.
Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội:
Theo số liệu tổng kiểm kê, Hà Nội có gần 6.000 di tích, đa dạng về loại hình, phân bổ ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP, ảnh chữa nhiều giá trị đặc biệt. Đồng thời, trên địa bàn TP có 1.793 danh mục di sản văn hoá phi vật thể đã đươc nhận diện, kiểm kê. Trong đó có nhiều di sản văn hoá đã được UNESCO vinh danh. Ví dụ, di tích có thể kể tới Hoàng thành Thăng Long; di sản văn hoá phi vật thể có lễ hội Gióng, kéo co ở Gia Làm và Sóc Sơn, 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và một số loại hình diễn xướng như Ca trù.
Cùng với đó, Hà Nội có hơn 20 di tích quốc gia đặc biệt, 20 bảo vật và cụm bảo vật quốc gia đã được Chính phủ công nhận. Vì vậy, rất cần phải có các biện pháp tổng thể để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của một khối lượng di sản văn hoá đồ sộ như vậy của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Lĩnh vực số hoá di tích là một trong những biện pháp tiến tiến, hữu hiệu trong quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá kể trên.
Trong những năm qua, TP Hà Nội đã có chủ trương, các hoạt động số hoá di sản văn hoá. Tuy nhiên, do việc đầu tư chưa được cơ bản, không có sự thống nhất nên việc số hoá di sản văn hoá của Thủ đô so với yêu cầu chưa đáp ứng được. Có những bảo tàng, di tích có chuyển đổi số như làm công nghệ 3D, hướng dẫn cho khách tham quan thực tế ảo… nhưng việc triển khai vẫn còn nhỏ lẻ, không mang diện rộng trên địa bàn TP. Có một số khó khăn là do nguồn lực huy động chủ yếu đến từ ngân sách và các nhóm cá nhân số hoá di sản để thử nghiệm.
Hiện nay, để số hoá di sản thành một đề án tổng thể, với tất cả loại hình di sản văn hoá trên TP vẫn chưa triển khai được. Vì vậy, đến nay việc số hoá hay chuyển đổi số trong ngành văn hoá của Hà Nội so với yêu cầu đặt ra chưa đạt được.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, với nhiều ứng dụng rộng rãi, trong đó bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng không phải ngoại lệ. Xin ông cho biết, số hoá di sản đem lại những hiệu quả thế nào trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản?
TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội
Số lượng tài sản của Hà Nội có thể ví như đang nằm một chiếc kho của cả đất nước. Chúng ta phải kiểm đếm, phân loại theo các tiêu chí (di sản cấp TP, di sản quốc gia, di sản quốc gia đặc biệt; chia thành từng lĩnh vực, loại hình; cấp độ cần bảo tồn).
Việc số hóa di sản giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ cồng kềnh, kém hiệu quả của phương pháp truyền thống. Ngoài ra, việc số hóa di sản đòi hỏi chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn khác và cho tính trực quan, độ tin cậy cao. Thêm vào đó, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ.
Thông qua số hoá, người quản lý chỉ cần bấm máy để hình dung được việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở lĩnh vực gì. Từ đó triển khai bằng những việc làm cụ thể, kịp thời, mang lại hiệu quả.
Mặt khác, số hoá giúp quảng bá di sản. Khi số hoá, chúng ta có thể đưa di sản lên mạng giúp cho bất kỳ người dân nào, ở khắp các nơi trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu di sản văn hoá của Hà Nội. Đây cũng là việc góp phần vào bảo tồn, phát huy di sản, đem lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực.
Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội:
Như đã chia sẻ ở trên, hiện nay, một số di tích, di sản trNộiên địa bàn TP Hà đã được số hoá và đem lại hiệu quả khả quan, đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô và du khách trong nước, quốc tế.
Tại Hà Nội, một số điểm di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất hiện nay trong lĩnh vực di sản văn hóa như công nghệ số hóa quét Laser 3D, không ảnh, thực tế ảo AR/VR… và công nghệ 4.0 (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, big data…) cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu số, phục vụ các nhiệm vụ chung của TP Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa.
Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò đã chính thức ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên ứng dụng Spotify. Kênh phát thanh gồm nhiều chuỗi tập tin âm thanh hoặc video số được BQL di tích trực tiếp thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kì sản phẩm, qua đó mang lại những câu chuyện hay và trải nghiệm đáng nhớ. “Mở hàng” chuỗi sự kiện được quảng bá trên nền tảng ứng dụng này là trưng bày chuyên đề Thắp lửa yêu thương nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2021.
Nhìn chung, các sản phẩm số hoá đã có tác dụng bước đầu. Số hoá di sản đã góp phần cho công tác lưu trữ tư liệu, phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá các giá trị di sản văn hoá; hỗ trợ cho phát triển du lịch bền vững.
Nếu có thể thực hiện số hoá toàn bộ di sản trên địa bàn Thủ đô và cả nước nói chung, chúng ta sẽ có một ngân hàng dữ liệu (Big Data) để bất kỳ ai cũng có thể khai thác nguồn tư liệu chính thống, đã được nghiên cứu, chuẩn hoá bởi các nhà khoa học. Có thể xem, nguồn tư liệu đã được số hoá đó là tư liệu gốc để lưu trữ lâu dài.
Trước đây, bảo tồn di sản văn hóa thường được mặc định là công việc của giới nghiên cứu và các cơ quan quản lý Nhà nước nhưng ngày nay, trước sự phát triển nhanh của công nghệ cùng với ý thức, niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người dân ngày càng được nâng cao, việc bảo tồn di sản không còn là trách nhiệm riêng của các nhà chuyên môn mà thu hút sự tham gia của cả cộng đồng. Xin ông cho biết, tầm quan trọng của doanh nghiệp, các tổ chức ngoài công lập, tư nhân trong công tác số hoá di sản?
TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội
Theo tôi, chỉ có một số cá nhân nhận thức hạn hẹp mới cho rằng việc bảo tồn di sản, trong đó có số hoá là việc của Nhà nước. Di sản văn hóa là tài sản chung của cả dân tộc, không phải tài sản của riêng ai. Vì vậy, sự thành công trước hết phải bắt đầu bằng tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, khai thác tính tích cực, chủ động, tự giác của người dân, của cả cộng đồng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở.
Thời kỳ của tôi, tôi nói rất rõ với những người làm công tác quản lý, để bảo tồn, phát huy được giá trị của di sản không thể làm một mình. Lịch sử đã chứng minh rõ điều đó, Nhân dân có gìn giữ di sản thì di sản mới có thể tồn tại được.
Mặt khác, có những thời kỳ chúng ta nhận thức không đúng, chính những người làm văn hoá đã huỷ hoại di sản. Đã có những sự việc di sản bị trùng tu, tu bổ sai phương pháp, hay xoá bỏ di sản. Quan điểm của Đảng đã chỉ rõ: Văn hoá là sự nghiệp của toàn dân, không phải chỉ của người làm văn hoá.
Mặt khác, việc huy động sức mạnh của toàn dân bằng các hình thức xã hội hoá là hướng đi tốt. Nhưng tôi xin nhấn mạnh, xã hội hoá không chỉ là bớt tiền bạc của Nhà nước. Xã hội hoá là làm cho người dân hiểu hơn về giá trị di sản văn hoá, góp phần bảo vệ, phát huy tốt hơn. Chỉ có người dân tham gia, chúng ta mới phát huy giá trị di sản hiệu quả. Nhà nước có thể có nhiều tiền, sử dụng để bảo tồn di sản nhưng không phát huy được vì người dân không biết, không nhận thức, yêu mến di sản.
Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội:
Trong những năm gần đây đã có một số cá nhân, tập thể chú ý tới việc đầu tư vào lĩnh vực di sản văn hoá, đặc biệt là số hoá.
Cụ thể, thời gian gần đây có một số nhóm bạn trẻ am hiểu công nghệ đã đi sâu nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm số hoá di sản văn hoá. Cách đây 6 năm, khi chàng trai 9x Nguyễn Trí Quang cho ra mắt clip sử dụng công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Reality 3D-VR3D) tái hiện không gian đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức). Cuối năm 2020, nhóm Sen Heritage đã giới thiệu tới công chúng trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” với những trải nghiệm phong phú, sinh động.
Có thể thấy, về lâu dài, Nhà nước cũng không đủ nguồn ngân sách để số hoá di sản. Vì vậy rất cần sự vào cuộc của các DN, cá nhân. Tuy nhiên, xã hội hoá số hoá di sản đòi hỏi phải có sự quản lý, thống nhất của Nhà nước.
Khi xã hội hoá di sản đã được mở rộng, cơ quan chứng năng cần có hệ thống, chương trình và Luật hoá quyền khai thác dữ liệu. Có như vậy, Nhà nước mới có thể huy động các DN, cá nhân tham gia, đem lại lợi ích cho xã hội.
Để việc số hóa di sản thật sự có ý nghĩa, ngoài việc lưu giữ để bảo tồn thì vấn dề song hành là phải phát huy giá trị di sản đã được số hoá. Thưa ông, cần có những giải pháp nào để di sản sau khi được số hoá có thể phát huy được hiệu quả, đem lại lợi ích về kinh tế?
TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội
Theo tôi, làm việc gì cũng phải đặt ra mục đích, số hoá di sản cũng vậy. Khi triển khai số hoá di sản, chúng ta cần đặt câu hỏi số hoá để làm gì? Cần lộ trình ra sao? Khai thác lợi ích như thế nào? Tôi cho rằng, người lãnh đạo phải nghĩ, tìm câu trả lời trước. Nói cách khác, khi số hoá cần phải có chương trình hành động, mục tiêu, mục đích cụ thể. Không thể thấy lĩnh vực khác số hoá, văn hoá lại làm theo rồi bỏ đó gây lãng phí.
Tôi nhấn mạnh, vai trò quản lý rất quan trọng. Nhưng đồng thời, chúng ta phải tranh thủ giới chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ, văn hoá… Khi tốc độ càng nhanh đòi hỏi chuyên môn phải sâu. Nói cách khác, số hoá di sản phải có sự đồng bộ của các ngành, các cấp, tránh mạnh ai đấy làm. Thông tin số hoá di sản cần được đồng bộ, là tư liệu để có thể tham khảo, tránh để xảy ra tình trạng xây nhà, làm đường, phát triển kinh tế tác động không tốt đến văn hoá, hoặc ngược lại. Nếu được như vậy, văn hoá thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, không phải là rào cản.
Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội:
Chúng ta cần có Luật, hoặc văn bản quy định chuyên sâu, tạo hành lang pháp lý trong việc số hoá di sản. Cùng với đó, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về số hoá di sản văn hoá; Chuẩn hoá hệ thống dữ liệu; Chỉ đạo về kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin.
Đồng thời, để đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về di sản văn hoá của các tầng lớp Nhân dân trong nước và quốc tế cần có quy định cụ thể về mức độ. Có những thông tin có thể miễn phí nhưng cần có những thông tin cần phải trả tiền.
Bên cạnh đó, khi di sản đã được số hoá, người quản lý văn hoá không thể cất giữ mà trong phạm vi nhất định cần đưa dữ liệu số hoá vào khai thác du lịch. Qua đó, di sản được quảng bá, phát huy giá trị, xây dựng được các điểm đến hấp dẫn.
Thưa ông, việc triển khai số hoá di sản còn khá mới mẻ, đòi hỏi đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin để đáp ứng công việc... Trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích? Thời gian tới, Hà Nội cần có định hướng, giải pháp nào về lĩnh vực số hoá di sản?
TS Nguyễn Viết Chức
Tôi cho rằng không có việc gì dễ làm. Hà Nội muốn số hoá di sản hiệu quả phải phát huy được nguồn tài lực, nhân lực – là thế mạnh so với các địa phương khác. Hà Nội cần có đề án, lộ trình cụ thể để số hoá di sản đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Nói như vậy không có nghĩa là tiết kiệm quá mức, không dám đầu tư, cấp kinh phí. Có những dự ấn cầu đầu tư mạnh để đem lại hiệu quả cao.
Cùng với đó là đầu tư phát triển nguồn lực con người. Bên cạnh đội ngũ có trình độ chuyên môn về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cần đào tạo một đội ngũ nhân lực công nghệ riêng, có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ. Đặc biệt cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ.
Mọi người vấn nói “Hà Nội không vội được đâu” nhưng trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội phải tăng tốc, chớp thời cơ, thể hiện đúng vai trò đàu tàu của phát triển văn hoá.
Ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội:
Chương trình 06 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” đã nêu rõ vẫn đề cốt lõi là Mục tiêu của chương trình là phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến; TP vì hoà bình, TP sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Nội dung của chương trình đã nhấn mạnh nội dung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá.
Cuối năm 2021, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận là phải đầu tư cho văn hoá ngang hàng cho đầu tư phát triển kinh tế.
Vì vậy, đầu tư cho văn hoá nói chung và di sản văn hoá nói riêng phải được nhìn nhận, một mặt, đầu tư tư nguồn ngân sách phải xứng đáng hơn; mặt khác phải huy động được nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hoá và di sản văn hoá.
Tương tự như vậy, việc số hoá di sản hay chuyển đổi số trong di sản văn hoá cần phải được quan tâm thường xuyên. Trong lúc, ngân sách Nhà nước có thể tăng tỉ lệ đầu tư nhưng chúng ta cần có những chủ trương khuyến khích để huy động được nguồn đầu tư ngày càng nhiều hơn của DN, các cá nhân.
Bên cạnh giải pháp về huy động nguồn lực, chúng ta cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đào tạo những kỹ sư CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đối số, cần chú trọng đạo tạo và đào tạo lại đội ngũ quản lý di tích trên địa bàn TP để học hiểu, nắm. những kỹ năng tối thiểu trong chuyển độ số. Có như vậy, hệ thống, kết quả của chuyển đổi số mới có tác dụng.