Giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ có làm giảm cơ hội của thí sinh?
Kinhtedothi-Thông tin một số trường giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ hoặc không dùng phương thức xét học bạ trong tuyển sinh năm 2024 thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Liệu phương án này có làm giảm cơ hội trúng tuyển hoặc làm mất đi giá trị học bạ ở bậc THPT của các em?
Nhiều quan điểm trong tuyển sinh
Nếu như năm 2023, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành 10% chỉ tiêu (của phương thức xét tuyển kết hợp) để xét tuyển điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT đối với thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc, học sinh hệ chuyên các trường THPT trọng điểm quốc gia, thì 2024, nhà trường không dùng điểm học bạ trong xét tuyển.
Lý giải nguyên nhân, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không đề cập đến vấn đề chất lượng hay độ tin cậy của học bạ mà cho rằng, việc không xét tuyển bằng học bạ để giảm tỷ lệ thí sinh ảo mà không gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh cũng như không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh bởi thực chất, nhóm này có học lực rất giỏi và các em trúng tuyển thường không sử dụng đến điểm học bạ.
Sử dụng điểm học bạ trong tuyển sinh từ năm 2021, đại diện Trường ĐH Nha Trang nêu một thực trạng đáng suy ngẫm. Đó là, thí sinh trúng tuyển học bạ vào trường với điểm số rất cao; tuy nhiên, sau khi kết thúc năm nhất, những đối tượng này lại có điểm trung bình học tập khá thấp. Ngược lại, những sinh viên trúng tuyển bằng các phương thức khác, mức độ chênh lệnh giữa điểm thi ĐH và năng lực học không quá lớn. Đây là nguyên nhân để nhà trường cân nhắc phương thức xét tuyển học bạ trong các mùa tuyển sinh tiếp theo.
Trong khi nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, nếu chỉ dựa vào học bạ sẽ khó đảm bảo khách quan vì không tránh khỏi hiện tượng chạy điểm, xin điểm, làm đẹp học bạ...ở cấp THPT thì Trường ĐH Ngoại thương vẫn kiên định với phương thức tuyển sinh cũ, bao gồm phương thức xét tuyển học bạ.
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, chúng ta không nên có tâm lý phủ nhận kết quả đánh giá trong cả một quá trình của giáo dục phổ thông mà nên tôn trọng, chấp nhận có cơ sở khoa học và đồng hành để giúp hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng tốt hơn và tiệm cận với giáo dục quốc tế.
Do đó, năm 2024, với nhóm phương thức có xét tuyển học bạ, nhà trường yêu cầu thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện “có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên”.
Mặt khác, quá trình theo dõi, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên được xét tuyển ở các phương thức khác nhau, nhà trường nhận định chất lượng sinh viên đảm bảo đồng đều giữa các phương thức. Đây là lý do trường giữ ổn định phương thức xét tuyển như năm 2023, tránh việc gây xáo trộn tâm lý thí sinh.
Cơ hội vẫn rộng mở
Tại bậc phổ thông, học bạ (sổ điểm theo dõi) là sự phản ánh quá trình học tập và rèn luyện của học sinh qua các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Dẫu rằng, việc “tạo điều kiện” cho học sinh có điểm số đẹp là sự thật tồn tại ở đâu đó nhưng cơ bản, học bạ vẫn là một kênh khá tin cậy để đánh giá tổng quan về kết quả học tập của mỗi học sinh.
“Sự đánh giá của thầy cô ở các trường khác nhau là khác nhau. Việc kiểm tra đánh giá cũng chưa có thang đo chuẩn áp dụng với tất cả; vì thế nếu chỉ xét học bạ để tuyển sinh sẽ khó tạo sự công bằng. Trường hợp các trường vẫn duy trì phương thức tuyển sinh bằng điểm học bạ thì ngành giáo dục cần sớm có biện pháp để tăng tính tin cậy cho học bạ hay cho cách đánh giá qua điểm số của các thầy cô giáo”, thầy Nguyễn Văn Lộc, giáo viên một trường THPT tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ.
Khẳng định giá trị nhất định của học bạ, các thầy cô giáo cho hay, việc bỏ xét tuyển học bạ có thể làm học sinh thiếu đi sự nỗ lực để cải thiện điểm số cũng như kéo giảm tinh thần phấn đấu của các em; khi đó, học sinh có thể chỉ tập trung vào những môn thi mà bỏ qua các môn học khác. Vì vậy, thay việc dùng học bạ để xét tuyển, các trường đại học nên điều chỉnh, coi học bạ là một tiêu chí phụ để bổ trợ cho các phương thức xét tuyển khác.
Nêu quan điểm về vai trò của học bạ, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) bày tỏ, nếu loại trừ được những việc như “nương tay” cho điểm, dễ dãi trong đánh giá bậc THPT, kết quả học bạ cũng là thước đo đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách tương đối. Và các trường đại học, tùy theo yêu cầu tuyển sinh vẫn có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển được sử dụng trong tuyển sinh đại học. Thí sinh được quyền sử dụng tất cả các phương thức tuyển sinh để xét tuyển vào một trường/ngành đào tạo nếu phương thức đó nằm trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Và dù có đáp ứng mọi điều kiện xét tuyển thì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Cơ hội của thí sinh rất rộng mở. Các em cần có nhận thức đúng, đủ về các lợi thế trong xét tuyển, sắp xếp thứ tự nguyện vọng một cách hợp lý, khoa học để tăng khả năng trúng tuyển.
“Thời điểm này, mạng xã hội đang đưa lại nhiều đề án cũ, không chính xác so với quy định năm nay. Thí sinh cần tìm hiểu đề án tuyển sinh năm 2024, nắm rõ các điều kiện, quy định sơ tuyển đầu vào (nếu có) để tránh việc không đủ điều kiện, dẫn tới "đỗ thành trượt" như nhiều trường hợp phải xử lý các năm trước…”, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) gửi lưu ý đến thí sinh.
Điểm chuẩn học bạ vượt ngưỡng, thí sinh dồn hy vọng vào điểm thi tốt nghiệp
Kinhtedothi – Thông tin về điểm chuẩn học bạ cao chót vót, nhiều trường vượt 30 điểm khiến nhiều thí sinh lo lắng và dồn hy vọng vào điểm thi tốt nghiệp. Khi chỉ vài tiếng nữa điểm thi được công bố, nỗi mong ngóng, hồi hộp càng tăng lên…
Bỏ xét học bạ, tăng chỉ tiêu kỳ thi riêng: Xu hướng của trường tốp đầu
Kinhtedothi – Thời điểm này, kỳ tuyển sinh năm 2024 đã khởi động. Vẫn duy trì đa dạng phương thức tuyển sinh như năm trước nhưng năm 2024, các trường đại học tốp đầu có xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển kết quả của kỳ thi riêng, giảm dần dẫn đến không xét tuyển bằng học bạ.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Trường ĐH Ngoại thương tuyển sinh chương trình mới
Kinhtedothi – Thông tin tuyển sinh năm 2024 của Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Ngoại thương gây bất ngờ cho thí sinh khi năm nay, cả hai trường đều dự kiến tuyển sinh khối ngành kỹ thuật, trong đó có ngành về máy tính.