Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giáo dục ngoại thành bứt phá

Kinhtedothi - Năm 2022, giáo dục Hà Nội tiếp tục đạt được thành tích cao xét trên nhiều tiêu chí gồm giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, trường chuẩn quốc gia, nổi bật là giáo dục ngoại thành đã bứt phá, kéo giảm khoảng cách đáng kể so với giáo dục nội thành.

Học sinh trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn nhiều năm liền có mặt trong tốp 10 trường có điểm THPT môn Ngữ văn cao nhất Hà Nội. Ảnh Nam Du

Thầy - trò cùng ghi dấu ấn

Điểm nhấn đầu tiên trong gam màu tươi sáng của giáo dục ngoại thành Hà Nội là dấu ấn đậm nét tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 khi Nguyễn Ngọc Lễ, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Quốc Oai, huyện Quốc Oai đã xuất sắc trở thành Thủ khoa khối A00, Thủ khoa toàn quốc với điểm số tuyệt đối 30/30 điểm (Toán 10, Lý 10, Hóa 10) và Thủ khoa đầu vào Đại học Bách khoa Hà Nội theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nhà giáo Nguyễn Phương Thảo - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 Trường THPT Quốc Oai vui mừng cho biết, lớp do cô chủ nhiệm 3 năm qua đã gặt hái thành tích rất xuất sắc, ngoài Thủ khoa Nguyễn Ngọc Lễ còn có 2 học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đạt giải Ba ở môn Vật lý, nhiều học sinh dự thi học sinh giỏi TP các môn Toán, Lý, Hóa giành giải cao (trong đó có 1 giải Nhất môn Toán với số điểm 19,5/20).

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm trung bình môn Toán của lớp 12A6 đạt 8,73 điểm - là một trong những lớp học có điểm trung bình Toán cao của Hà Nội.

Tại Top 10 trường có điểm trung bình bài thi tốt nghiệp THPT cao nhất Hà Nội năm 2022 có một điểm khá đặc biệt là sự xuất hiện dày đặc của các trường thuộc khu vực ngoại thành. Cụ thể: Lọt tốp 10 trường đạt trung bình điểm Văn cao nhất có Trường THPT Đa Phúc và THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn); trung bình điểm Vật lý cao nhất có 5 trường ngoại thành là: THPT Quốc Oai, THPT Sóc Sơn, THPT Mỹ Đức B, THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên), THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì)...

Tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm 2022, ngoài đại đa số học sinh của các trường THPT chuyên thì có sự xuất hiện của hai học sinh ngoại thành, trong đó có một em học Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) và một em học Trường THPT Thường Tín (huyện Thường Tín).

Trong số giáo viên đạt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ VI năm 2022 và trong 178 giáo viên cấp THCS đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp TP năm 2022 có không ít nhà giáo dạy ở trường ngoại thành. Tại danh sách đề xuất, xin ý kiến về danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2022 có một số thầy cô trường ngoại thành như nhà giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt - giáo viên Trường THPT Chương Mỹ A, nhà giáo Nguyễn Thị Phương - giáo viên Trường THPT Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), nhà giáo Vũ Ngọc Tình - giáo viên Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa).

Kéo gần khoảng cách

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đều khắp là chủ trương của UBND TP Hà Nội nói chung và ngành GD&ĐT Thủ đô nói riêng. Bằng sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị và nỗ lực không ngừng từ cấp cơ sở mà trực tiếp là các nhà trường, giáo dục ngoại thành đã có những bước đi vững chắc, dần khẳng định hiệu quả trong từng phương pháp, từng cách làm.

Là trường lọt tốp 10 điểm trung bình môn Vật lý cao nhất Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức B Vũ Trí Thức cho hay, trước đây trường được xem là “vùng trũng” của giáo dục Hà Nội. Tuy nhiên, bằng tinh thần quyết tâm cao độ, trường đã dần xây dựng nền nếp dạy và học. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trường phân công thầy cô kèm cặp học sinh không kể thời gian, hỗ trợ các em tối đa và có kiểm tra, đánh giá trong từng giai đoạn để rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả dạy và học.

Đưa giáo dục ngoại thành gần hơn với giáo dục nội thành cũng là một trong những nội dung được ngành GD&ĐT Hà Nội rất quan tâm và đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch tổ chức phong trào “Quận giúp huyện, trường giúp trường” mà Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai trong năm tới.

Mục đích của phong trào là thông qua hoạt động giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ, các đơn vị nhà trường sẽ nâng cao chất lượng dạy học, chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non, thu hẹp khoảng cách giáo dục. Đồng thời vận động nhà giáo tham gia giúp đỡ, phụ đạo học sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc có kết quả học tập còn hạn chế nâng cao kết quả học tập, rèn luyện.

Cùng với đó, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn giữa các nhà trường giúp tăng chất lượng đội ngũ, sinh hoạt chuyên môn; hỗ trợ các nhà trường triển khai thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nâng cao kết quả các môn học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ về kế hoạch giao lưu, kết nghĩa của ngành GD&ĐT Thủ đô, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương kỳ vọng, với sự chuẩn bị bài bản, thống nhất, kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội chắc chắn sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở toàn TP và phát triển thành phong trào sâu rộng. Qua đó góp phần giúp giáo dục Hà Nội, trong đó có giáo dục ngoại thành thêm cơ hội tốt để phát triển thực chất, toàn diện hơn trong thời gian tới.

Trường THPT lên phương án nếu học sinh lớp 10 muốn chuyển môn lựa chọn

Trường THPT lên phương án nếu học sinh lớp 10 muốn chuyển môn lựa chọn

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

11/01/2025 | 14:58

Kinhtedothi - Thanh tra tỉnh Sơn La chỉ rõ một số tồn tại, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa do Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La và các đơn vị trực thuộc Sở làm chủ đầu tư.

Tin tài trợ