Hà Nội: Cần hơn 23.000 tỷ đồng cho 6 dự án giao thông cấp bách
Kinhtedothi - Từ cuối năm 2022, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất bổ sung một số dự án giao thông vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có 6 dự án giao thông cấp bách với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 23.000 tỷ đồng.
Khép kín Vành đai 2 và 3
Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai đóng vai trò định hình mạng lưới giao thông đường bộ cả nội vùng và kết nối liên tỉnh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa vành đai nào được khép kín, khó phát huy hết hiệu quả về giao thông.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay từ cuối năm 2022, Sở đã đề xuất thành phố bổ sung một số dự án công trình vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó có 6 dự án cần được triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư được chia thành hai nhóm: đường và hầm. Trong nhóm đường có hai đoạn tuyến nhằm khép kín Vành đai 2 và 3 nên ưu tiên cho nghiên cứu triển khai trước.
Cụ thể là Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp, đoạn từ Ngã tư Sở - Cầu Giấy, dài khoảng gần 4km, dự kiến sẽ được mở rộng mặt cắt lên tới trên 53m, với tổng mức đầu tư theo tính toàn ban đầu là 8.500 tỷ đồng.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, để giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở cũng như phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến Vành đai 2 từ Vĩnh Tuy - cầu Nhật Tân, rất cần sớm hoàn thành đoạn tuyến cuối cùng này.
Có ý kiến cho rằng, nếu xây dựng đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Sở, men theo bờ sông Tô Lịch, kết nối đến Cầu Giấy sẽ giảm thiểu được chi phí giải phóng mặt bằng, giảm đáng kể tổng mức đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, phương án vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể.
Vành đai 3 là một trong những tuyến đường “nổi tiếng” nhất của Hà Nội bởi vai trò vô cùng quan trọng của nó trong bối cảnh các Vành đai kết nối liên vùng: 3,5; 4; và 5 đều chưa thành hình. Phần lớn nhu cầu quá cảnh Hà Nội và từ Hà Nội đi phía Nam, phía Bắc đều thông qua Vành đai 3, khiến tuyến đường trở nên quá tải trầm trọng.
Vành đai 3 được thiết kế để kết nối với 5 tuyến cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Bắc Giang; Láng - Hòa Lạc; và 7 tuyến Quốc lộ: 1, 2, 3, 5, 6, 18, 32, tổng chiều dài 68km.
Tuyến đường khởi đầu từ Nam Thăng Long- Mai Dịch - Pháp Vân - Cầu Thanh trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Đồng Xuân, nối vào đường Bắc Thăng Long - Nội Bài thành vành đai khép kín, đi qua địa bàn các quận, huyện: Đông Anh; Mê Linh; Bắc Từ Liêm; Nam Từ Liêm; Cầu Giấy; Thanh Xuân; Hoàng Mai; Long Biên; Gia Lâm.
Tuy nhiên, đến nay Vành đai 3 vẫn còn lại đoạn tuyến từ cầu Thăng Long đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài 14km chưa được đầu tư hình thành để khép kín theo quy hoạch.
Dự án này trước đây đã được đề xuất nghiên cứu thực hiện theo hình thức BT tuy nhiên không khả thi. Hiện Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thành phố sử dụng ngân sách đầu tư với tổng mức dự kiến là 12.046 tỷ đồng.
Một dự án khác cũng rất quan trọng trong thời điểm hiện tại là Đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (quận Cầu Giấy, dự kiến cần khoảng 850 tỷ đồng. Thành phần của dự án sẽ bao gồm cả hầm chui trực thông qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô 4 làn xe.
Thực tế, đường Hoàng Quốc Việt là đoạn tuyến khởi đầu của trục đường đô thị hướng tâm đặc biệt: Hồ Tây - Ba Vì. Việc tiếp tục kết nối từ Hoàng Quốc Việt đến Trần Vỹ vừa có ý nghĩa giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường Quốc lộ 32 hiện hữu, vừa từng bước hoàn thiện trục hướng tâm Hồ Tây - Ba Vì.
Ba hầm chui
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay Hà Nội sẽ rất khó mở rộng quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là tại khu vực nội thành đã hình thành nhiều “mảng đặc” khu đô thị, cụm dân cư. Phương án tốt nhất là đầu tư, xây dựng các nút giao thông đa tầng mức, tranh thủ tối đa không gian đô thị cho hạ tầng giao thông.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, qua rà soát Sở đã đề xuất với thành phố nhóm các dự án xây dựng hầm chui tại một số nút giao thông có mật độ cao, kết nối với đường trục chính đô thị, vành đai lớn, nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả hạ tầng hiện có.
Thứ nhất là dự án xây dựng hầm chui nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy. Sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, Vành đai 2 đã gần như thông suốt, mở ra trục giao thông trọng yếu từ Tây Bắc sang phía Đông và Đông Bắc Thủ đô. Tuy nhiên, đến nay tuyến vành đai này vẫn còn hai điểm nghẽn phức tạp là: nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy, và đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy.
Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, việc xây dựng hầm chui Cổ Linh sẽ rất thuận lợi do không vướng mắc GPMB nhiều. Hầm dự kiến sẽ có 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.
Theo dự báo của Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI), đến năm 2050, số lượng phương tiện lưu thông theo hướng QL5 cũ về cầu Vĩnh Tuy sẽ lên tới 50.232 phương tiện/ngày đêm. Theo chiều ngược lại sẽ có 45.175 phương tiện/ngày đêm. Lưu lượng qua nút giao Cổ Linh được dự báo tiếp tục tăng cao theo thời gian.
Hà Nội cần tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại ngã tư Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy, và phương án tối ưu nhất là xây dựng hầm chui trực thông trên đường Đàm Quang Trung, mở hướng lưu thông khác qua nút.
Thứ hai là dự án hầm chui tuyến đường Tây Thăng Long, đi ngầm qua Vành Đai 3. Hầm dự kiến cũng sẽ được thiết kế với quy mô 4 làn xe, dài 500m, tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.
Hầm chui sẽ góp phần từng bước hoàn thiện trục Tây Thăng Long, tăng cường kết nối hai bên đường Vành đai 3, đồng thời hoàn thiện nút giao trục hướng tâm Tây Thăng Long - đường Vành đai 3. Tương tự như hầm chui Cổ Linh, dự án này cũng khá thuận lợi trong công tác GPMB.
Thứ ba là dự án hầm chui nút giao Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3, dự kiến có quy mô 4 làn xe, dài 500m, tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, không gặp khó khăn trong GPMB do phạm vi xây dựng hầu như không có đất ở đô thị.
Hiện tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao nêu trên khá phức tạp, công tác tổ chức giao thông vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được khó khăn, xung đột giữa các hướng đường kết nối xung quanh với Vành đai 3 dưới thấp.
Với hướng tuyến thông thẳng từ Mễ Trì sang Dương Đình Nghệ, đây sẽ làm hầm chui tiếp theo trong chuỗi những hầm như: Thanh Xuân, Trung Hòa, Tây Thăng Long… giảm thiểu xung đột giữa giao thông khu vực hai bên với Vành đai 3. Đây cũng là dự án đang được Nhân dân rất mong đợi.
Như vậy, để đầu tư 6 dự án giao thông cấp bách ngay trong giai đoạn trước mắt, Hà Nội sẽ cần tới hơn 23.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn, đòi hỏi thành phố phải tính toán phân bổ nguồn lực hết sức khoa học, thận trọng.
Xây dựng hầm chui Cổ Linh: Gỡ nút thắt phía Đông cho Vành đai 2
Kinhtedothi - Hà Nội đang lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy (hầm chui Cổ Linh), nhằm giải quyết ùn tắc và giảm xung đột giao thông cho khu vực phía Đông, Đông Bắc Vành đai 2. Dự án có thể triển khai nhanh do không phải giải phóng mặt bằng.
Làm nhánh chuyển tiếp trên cao qua nút Ngã Tư Sở
Kinhtedothi - Để hạn chế phần nào tình trạng ùn tắc nặng nề tại Ngã Tư Sở, Hà Nội đang tính toán làm nhánh chuyển tiếp từ Vành đai 2 trên cao xuống đường Nguyễn Trãi.
Đề xuất đầu tư Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy
Kinhtedothi - Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đối với Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy).