Hà Nội chưa mở rộng thêm 9 phố, ngõ đi bộ khu phố cổ
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 382/TB-UBND truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp về tiếp tục mở rộng không gian đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội.
Theo đó, UBND TP thống nhất về chủ trương ủng hộ việc nghiên cứu mở rộng không gian đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại thời điểm này chưa phù hợp vì đang triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Mặt khác, trong thời gian 2 năm qua, việc triển khai không gian đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội của quận UBND quận Hoàn Kiếm còn nhiều mặt tồn tại, cần có tổng kết, đánh giá.
UBND TP thống nhất về chủ trương ủng hộ việc nghiên cứu mở rộng không gian đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại thời điểm này chưa phù hợp vì đang triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Trước mắt, UBND quận Hoàn Kiếm cần tiếp tục nâng cao chất lượng việc triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với yêu cầu: thống kê, kiểm soát, quản lý chất lượng các hoạt động khách sạn, nhà hàng, quán hàng, hệ thống wifi, chấn chỉnh các đơn vị sắp xếp tổ chức trông giữ xe...
Cần đánh giá những nội dung chưa đạt yêu cầu, dư luận và báo chí nêu, tập trung khắc phục (bán hàng rong, vệ sinh môi trường, thái độ phục vụ, phương thức phục vụ du khách, chất lượng dịch vụ phục vụ, chất lượng các mặt hàng, chỉ dẫn du lịch ...).
UBND quận Hoàn Kiếm khẩn trương triển khai cải tạo chỉnh trang nâng cấp mặt tiền các tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và lân cận theo đúng chỉ đạo của UBND TP và các tuyến phố không gian đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội. Cần vận động nhân dân cùng thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh, sạch đẹp.
Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành phương án mở rộng phố đi bộ trình UBND TP Hà Nội. Theo đó, phạm vi mở rộng không gian đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội gồm 7 phố và 2 ngõ, cụ thể: Phố Hàng Chiếu, Ngõ Gạch, Nguyễn Siêu, Đào Duy Từ (đoạn từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), ngõ Cầu Gỗ, phố Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, ngõ Trung Yên. Đây là các tuyến phố trong diện cần được bảo tồn và hội đủ yếu tố tương đồng với các tuyến phố đi bộ hiện đang triển khai.
Khu vực này còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như: Ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất còn được bảo tồn nguyên vẹn của đất Thăng Long xưa, đình Thanh Hà thờ tướng quân Trần Lựu (một vị tướng thời Trần). Hơn nữa, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch ở đây tương đối sôi động, có 218 hộ kinh doanh các ngành hàng dịch vụ thương mại, quà tặng lưu niệm, ăn uống, khách sạn, quán bar.
Khi được xây dựng thành khu vực đi bộ, 9 tuyến phố này kết hợp với các phố đi bộ đã được tổ chức trước đó gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân tạo sự đồng bộ, phát huy được lợi thế về giá trị văn hóa, ẩm thực, dịch vụ thương mại phục vụ khách tham quan.