Hà Nội: đình Đại Phùng đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
Kinhtedothi – Sáng 15/2 (tức 18 tháng Giêng Âm lịch), Huyện ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, xã Đan Phượng.
Tới dự về phía TP Hà Nội có nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đặng Thị Phương Hoa.

Về phía Bộ VHTT&DL có Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Đình Phong; Phó Cục trưởng cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng.
Báo cáo hồ sơ di tích, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, đình Đại Phùng thuộc thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, là một trong những ngôi đình cổ, có quy mô lớn ở Việt Nam. Đình Đại Phùng được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII, thờ Đức Thánh Tích Lịch Hỏa Quang Thượng đẳng thần và tướng quân Vũ Hùng - người có công dẹp giặc dưới thời nhà Trần ở thế kỷ XIV.

Khu di tích nằm ở trung tâm làng Đại Phùng, trên một khuôn viên rộng 2.542m2. Kiến trúc Đình Đại Phùng gồm ba hạng mục chính là tiền tế, đại bái và hậu cung; đầu hồi phía phải là một giếng cổ, nguồn nước đá ong bốn mùa trong xanh.
Đình Đại Phùng là di tích đặc biệt độc đáo ở chỗ toàn bộ cấu kiện nguyên thủy được làm bằng gỗ xoan với mái lớn, thân thấp, phù hợp với cả không gian, khí hậu, hoàn cảnh, cho thấy đây là một sáng tạo của cư dân địa phương.

Giá trị lớn nhất ở đình Đại Phùng được thể hiện trên các đề tài trang trí kiến trúc, điêu khắc còn giữ nguyên được niên đại nghệ thuật thế kỷ XVII với trên 1.000 hoạ tiết có giá trị văn hoá nghệ thuật cao. Nghệ thuật tạo hình ở đình Đại Phùng đạt đến trình độ rất cao hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng.
Với những giá trị đặc sắc và to lớn đó, ngày 31/12/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng đình Đại Phùng là di tích quốc gia đặc biệt.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức cho biết, đình Đại Phùng là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất ở xứ Đoài, nơi thờ những vị anh hùng văn hóa, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc chế ngự thiên tai, lũ lụt và chống giặc ngoại xâm. Đình Đại Phùng, một “bảo tàng văn hóa, nghệ thuật dân gian” sống động, là nguồn tư liệu sáng giá để nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cộng đồng và dân tộc.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức, huyện nhận thức sâu sắc rằng, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng đình Đại Phùng là di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đan Phượng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

"Chúng tôi cam kết luôn luôn coi di tích đình Đại Phùng tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Huyện sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng nói riêng và các di sản văn hóa trên địa bàn huyện nói chung theo phương châm "lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, "biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với các giải pháp cụ thể để bảo vệ và tạo sức sống mới cho di tích; để di tích mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa. Qua đó góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển huyện Đan Phượng ngày càng giàu đẹp văn minh" - ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.

Thay mặt Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Văn Đức trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các Cục, lãnh đạo Bộ VHTT&DL; lãnh đạo TP Hà Nội, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành TP. Đồng thời ghi nhận và biểu dương sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần trách nhiệm của các phòng, ban, ngành huyện và xã Đan Phượng; ghi nhận những tấm lòng hảo tâm của Nhân dân thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức cũng đề nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy để gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị đình Đại Phùng để xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng và Lễ hội truyền thống đình Đại Phùng được tổ chức trang trọng, sôi nổi với nhiều hoạt động đặc sắc. Lễ hội là dịp bày tỏ lòng nhớ ơn các vị tiền nhân có công với làng với nước, cầu cho “nhân khang – vật thịnh” đồng thời thỏa mãn sự giao lưu, sáng tạo làm phong phú đời sống văn hóa của cộng đồng.

Năm nay làng Đại Phùng mở hội lớn với các nghi thức rước lễ hoành tráng, trống hội rộn rã. Dọc thôn Đại Phùng được trang trí với các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương; khu vực gian sách đọc; cây ước nguyện; điểm check-in; hát quan họ, biểu diễn nghệ thuật; khu vực trò chơi dân gian; không gian chợ quê; con đường hoa… tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân.
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Hội Xuân Ất Tỵ 2025 huyện Đan Phượng
Kinhtedothi – Tối 17/1, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng phối hợp Phòng Kinh tế, Liên đoàn Lao động huyện, Huyện đoàn, Hội Chữ thập đỏ, Phòng GD&ĐT, Hội Phụ nữ và các đơn vị tổ chức khai mạc Hội Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Huyện Đan Phượng: 4 di tích đón Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố
Kinhtedothi – Ngày 9/2, huyện Đan Phượng tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích cấp TP miếu Hàm Rồng, xã Hạ Mỗ; chùa Bãi Tháp, xã Đồng Tháp; đình, chùa Hoa Chử, xã Thượng Mỗ.

Đình Đại Phùng – di sản văn hóa, kiến trúc độc đáo xứ Đoài
Kinhtedothi – Những ngày này, người dân thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng rộn ràng trang trí đường làng ngõ xóm, tập dượt các nghi thức rước lễ, tất bật sửa soạn đón khách mừng ngày hội làng và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng.