Hà Nội: Không chủ quan với dịch cúm A ở người lớn
Kinhtedothi - Gần đây, số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm A sớm nhằm giảm bớt mức độ nặng của bệnh.
Suy hô hấp phải thở máy vì cúm A
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mới đây, BV đã ghi nhận một chùm ca bệnh cúm A gồm 20 công nhân tại một khu công nghiệp ở huyện Đông Anh. Các trường hợp này ở độ tuổi 20 - 30 tuổi. Thời điểm đến bệnh viện, các bệnh nhân đều có triệu chứng tương đối giống nhau như đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Qua test nhanh, hầu hết các bệnh nhân đều cho kết quả dương tính với cúm A.
Đáng chú ý, theo lời kể của các bệnh nhân, ở khu công nghiệp họ đang làm việc còn xuất hiện rất nhiều trường hợp có triệu chứng cúm tương tự. Cũng ngay ngày hôm sau, các bác sĩ của BV tiếp tục thăm khám cho hơn 10 bệnh nhi có triệu chứng cúm là người thân của nhóm công nhân này.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khoảng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện tăng cao với tổng cộng gần 100 trường hợp. Trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng. Nhiều trường hợp xuất hiện tình trạng viêm phổi và đang phải theo dõi điều trị.
Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân mắc cúm A mà bệnh viện tiếp nhận có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy. Cụ thể, trường hợp này là bệnh nhân nữ (78 tuổi), sống tại Chương Mỹ, Hà Nội. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu khi đã diễn biến bệnh ở ngày thứ 3, với triệu chứng khó thở, mệt mỏi, sốt 39 độ C, ho nhiều, đờm trắng, nôn nhiều. Bệnh nhân được chỉ định suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A. Sau một ngày điều trị, bệnh nhân khó thở tăng, thở gắng sức, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) giảm còn 83%. Các bác sĩ buộc phải đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy.
Theo TS Văn Đình Tráng - phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.
Bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh thường trực quanh năm.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Kim Thư - Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, virus cúm có 3 loại gồm cúm A, cúm B và cúm C. Về mặt triệu chứng lâm sàng, bác sĩ Thư cho hay chủ yếu là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải là sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi. Ở các bệnh nhân diễn biến nặng, chúng ta có thể gặp triệu chứng của viêm phổi. Với bệnh cảnh lâm sàng này, bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt với Covid-19. Đây là việc đầu tiên chúng ta phải làm do triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh rất giống nhau, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp.
Ngoài ra, người bệnh và bác sĩ điều trị phải phân biệt cúm A với các bệnh cảm lạnh thông thường cũng như những loại virus khác, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp. Nhắc tới cúm, chúng ta buộc phải phân biệt rõ giữa 2 bệnh cảnh là cảm cúm, cảm lạnh thông thường và bệnh do virus cúm. Với cúm A, đây là tình trạng xảy ra do virus cúm A gây nên. Bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải tiếp nhận nhiều ca nhiễm virus cúm với các biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đáng lưu ý trong số này, có cả những bệnh nhân là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ. Bởi cúm A thường gặp ở thời tiết lạnh nhưng với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, bệnh lý này có thể xảy ra ở tất cả thời điểm trong năm.
Tỷ lệ diễn biến nặng ở người cao tuổi
Theo chuyên gia, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp trên gây ra bởi virus cúm, các đợt bùng phát được dự báo theo mùa và xuất hiện hàng năm. Các bệnh nhân trẻ tuổi cúm A thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn.
“Trong bối cảnh dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan rộng, những người có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi cấp tính nên hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm A sớm, khi dịch bệnh năm nay đến sớm hơn bình thường. Việc làm này giúp giảm bớt mức độ nặng của bệnh. Ngoài ra, người dân khi có các triệu chứng của cúm A như đau đầu, sốt, chảy mũi, mệt mỏi, ớn lạnh cần đến cơ sở y tế thăm khám, từ đó có phương pháp điều trị sớm và phù hợp” - TS Nguyễn Kim Thư khuyến cáo.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Lê Xuân Toản - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, hiện tại ở miền Bắc, dịch cúm A đang nổi trội, có rất nhiều nguyên nhân. Từ tháng 6 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã khám cho 166 bệnh nhân mắc cúm A, trong đó 84 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong đó, có những trường hợp cúm ở bệnh nhân cao tuổi nặng hơn, có thể do vấn đề dịch chồng dịch, liên quan đến Covid-19, hậu Covid. Những bệnh nhân tổn thương phổi, vào viện khá nhiều. Trong khi đó, các trường hợp khám ngoại trú cũng gia tăng. Tuy nhiên, những bệnh nhân ngoại trú không có biểu hiện về đường hô hấp nặng, không có nguy cơ về suy hô hấp, viêm phổi thì bệnh nhân có thể về theo dõi tại nhà. Còn lại những bệnh nhân phải nằm viện điều trị đều là những người có bệnh lý nền nặng, viêm phổi. Hầu hết những bệnh nhân đang bị viêm phổi sẽ phải sử dụng thuốc kháng virus tamiflu, kháng sinh, kháng viêm, nong đờm và theo dõi bệnh nhân. Một số bệnh nhân tiến triển nặng, biểu hiện viêm phổi nặng thì bệnh nhân sẽ phải can thiệp thở máy và những cái biện pháp hồi sức.
Theo bác sĩ Toản, biểu hiện nặng của bệnh cúm A, quan trọng nhất là tổn thương phổi, bởi nó tiến triển rất nhanh. Còn với cúm thông thường, biểu hiện chủ yếu là viêm nong đường hô hấp trên, thường bệnh nhân ít khi sốt hoặc sốt không biểu hiện rõ ràng. Đặc biệt lưu ý với những bệnh nhân có bệnh lý nền, nguy cơ tổn thương đường hô hấp dưới rất cao, nhất là viêm phổi tiên phát thường sẽ kéo dài đến tình trạng ARDS, tức là suy hô hấp cấp tiến triển. Do đó, tiên lượng của những bệnh nhân vào viện muộn sẽ rất khó. Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc kháng virus ở giai đoạn muộn hơn tuy nhiên khả năng ức chế virus hay khả năng giảm, nhân lên của virus sẽ kém hơn rất nhiều, từ đó nó sẽ giảm tiên lượng bệnh của bệnh nhân.
“Trong giai đoạn mùa dịch, người dân không nên chủ quan với dịch bệnh. Mỗi người dân nên có biện pháp để bảo vệ đường hô hấp trên. Để phòng, tránh bệnh cúm, người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với những bệnh nhân có biểu hiện cúm, ho, hắt hơi, sổ mũi. Ngoài ra, mỗi cá nhân nên vệ sinh tay, vệ sinh ngoại cảnh, tiêm phòng vaccine cúm” - bác sĩ Toản khuyến cáo.
Đã đến lúc Việt Nam coi Covid-19 là bệnh lưu hành hoặc cúm mùa chưa?
Kinhtedothi - Câu hỏi này được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 chiều 29/4.
Bệnh cúm A tăng “bất thường” giữa mùa Hè
Kinhtedothi - Thời gian gần đây, ngoài dịch Covid-19, một số dịch có xu hướng tăng nhanh, trong đó có cúm A. Tại các bệnh viện, lượng bệnh nhân mắc cúm A đến điều trị tăng vọt. Theo các chuyên gia, đây là điều “bất thường”, bởi loại cúm này thường xuất hiện rầm rộ vào mùa Đông Xuân.
Hà Nội: Gia tăng bệnh nhân mắc cúm A
Kinhtedothi - Thời gian qua, số lượng bệnh nhân mắc cúm A có dấu hiệu gia tăng bao gồm cả trẻ em với tình trạng nặng, có tổn thương phổi, phải nhập viện điều trị. Chuyên gia y tế cảnh báo, người dân nên tiêm vaccine cúm mùa. Đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.