Hà Nội lập danh mục và kế hoạch cải tạo biệt thự cổ
Kinhtedothi - Đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã thực hiện xong khảo sát, lập danh mục và kế hoạch cải tạo, chỉnh trang 32 nhà biệt thự do TP quản lý và danh mục 50 biệt thự do các cơ quan trung ương quản lý để cải tạo, chỉnh trang trong giai đoạn 2021 - 2025.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đang tập trung cải tạo, chỉnh trang nhà biệt thự trên địa bàn do TP quản lý.
Theo đó, Sở Xây dựng đã rà soát, trình UBND TP ban hành quyết định thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND TP về danh mục biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn.
Sở Xây dựng cũng lập kế hoạch khảo sát, đánh giá chất lượng toàn bộ 1.219 biệt thự và lập danh sách các biệt thự đã xuống cấp, nguy hiểm cần kiểm định chất lượng công trình và kế hoạch lập hồ sơ, tài liệu lưu trữ, thiết lập hồ sơ 3D các nhà biệt thự nhóm 1.
Trước đó, vào tháng 4/2021, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, báo cáo thực trạng quỹ nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn.
Trong đó, đề nghị nêu rõ số lượng, địa chỉ cụ thể, hiện trạng, phân loại và xếp theo từng nhóm, hình thức sở hữu... Từ đó đề xuất giải pháp quản lý trong thời gian tới, đề xuất danh mục biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 cần bảo trì, cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, mới đây, quận Hoàn Kiếm thực hiện Dự án bảo tồn biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài được kỳ vọng đây sẽ là dự án trùng tu kiểu mẫu.
Tòa biệt thự được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, là một trong số 1.253 nhà biệt thự mang kiến trúc Pháp được đưa vào danh mục quản lý theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự xây dựng từ trước năm 1954” của TP Hà Nội. Tuy nhiên, tòa biệt thự đã bị bỏ hoang nhiều năm nay và hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Đây là một trong những căn biệt thự vô giá còn sót lại của Hà Nội. Dự kiến, sau khi bảo tồn, nơi đây có thể trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa của Thủ đô, với nhiều hoạt động quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội.
[Cấp thiết bảo tồn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội] Bài 1: Hàng loạt công trình bị xâm hại
Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhiều công trình nhà biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp trên địa bàn TP Hà Nội đã bị chuyển đổi công năng phục vụ các mục đích khác nhau, để làm nơi làm việc hoặc kinh doanh... mà không tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị kiến trúc và văn hóa lịch sử của Thủ đô. Trước nguy cơ biệt thự Pháp cổ dần bị mai một, rất cần có các giải pháp bảo tồn, lưu giữ những di sản kiến trúc của đô thị Hà Nội.
[Cấp thiết bảo tồn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội] Bài 2: Nan giải công tác bảo tồn
Kinhtedothi - Nhiều công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ cách đây hàng trăm năm, đã hết thời hạn sử dụng nhưng vẫn được cải tạo sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, gây nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản của người dân.
[Cấp thiết bảo tồn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội] Bài 3: Vướng từ cơ chế đến kinh phí
Kinhtedothi - Một bộ phận tổ chức, cá nhân sử dụng nhà biệt thự cổ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc của những công trình này, thậm chí cho rằng nhà biệt thự đang sử dụng không có giá trị để bảo tồn. Trong khi đó, quy chế quy định về quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ còn nhiều điểm vướng mắc..