Hà Nội: Linh hoạt, sáng tạo, đổi mới trong công tác dân vận
Kinhtedothi - Năm 2023, công tác dân vận tại Thành uỷ Hà Nội đã được tăng cường, đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở. Qua đó, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân
Theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Vũ Hà, năm 2023, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả về công tác dân vận.
Trong đó tăng cường, đổi mới công tác dân vận của Đảng theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong Nhân dân.
Trong năm 2023, thông qua việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đồng thời, tạo sự gắn bó, đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị; củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Năm qua tổng số mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố được đăng ký triển khai là 13.663 mô hình. Qua tổ chức triển khai phong trào, nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết và góp phần tạo sự đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra công vụ được thực hiện thường xuyên và đột xuất. Theo đó, đã thực hiện 38 cuộc kiểm tra công vụ, trong đó có 33 cuộc kiểm tra đột xuất; 5 cuộc kiểm tra xác minh theo chỉ đạo của Thành phố. Các cơ quan hành chính của Thành phố triển khai 370 cuộc thanh tra và đã kết luận 289 cuộc…
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 81,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 45 tập thể và 158 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 3 cuộc. Đặc biệt, năm 2023 Ban Dân vận Thành ủy đã hoàn thành biên soạn và phát hành cuốn sách “Dân vận khéo” trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dân vận
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội Lê Kim Anh, trong năm qua từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, mô hình sáng tạo, cách làm hay được phát hiện, biểu dương, tôn vinh.
Qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Thủ đô và khích lệ, động viên cán bộ, hội viên phụ nữ nỗ lực vươn lên. Đồng thời, khẳng định bản thân, khát vọng cống hiến, đóng góp tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Từ thực tế triển khai tại huyện Đông Anh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết, để có thể tiếp tục nâng cao hiệu quả trong triển khai công tác dân vận thì việc phát động và thực hiện các phong trào thi đua phải thiết thực, gắn với các tiêu chí, chỉ tiêu theo thực tiễn để phấn đấu nhằm sớm đạt các chỉ tiêu, tiêu chí huyện trở thành quận, xã thành phường. Trong đó, thường xuyên động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra giám sát, dân thụ hưởng”.
Chia sẻ kinh nghiệm phát huy vai trò công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hà Đông Nguyễn Khánh Đồng cho biết, các cấp ủy Đảng, chính quyền quận tập trung ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ cả hệ thống chính trị quận vào cuộc.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, bao gồm cả vận động cá biệt đối với các cá nhân, tổ chức trong diện thu hồi đất. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình dư luận Nhân dân, dự báo và kịp thời báo cáo các cấp, các ngành giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm lợi ích tối đa của người dân sau khi thu hồi đất…
Để nâng cao hơn nữa công tác dân vận trong thời gian tới, trong cuộc triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong đã đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới.
Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò và quan tâm, tạo điều kiện để các Tổ dân vận ở cơ sở hoạt động hiệu quả hơn nữa. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dân vận. Làm tốt công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng triển khai các dự án lớn của Thành phố. Đặc biệt, gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), tạo không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô.
Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dân vận
Kinhtedothi - Chiều 26/12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đăng ký thực hiện mang lại hiệu quả tích cực
Kinhtedothi - Ngày 26/12, Quận ủy Bắc Từ Liêm tổng kết hoạt động Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ quận, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo; dân vận chính quyền; kế hoạch triển khai các Đề án của Quận ủy và kế hoạch phối hợp công tác dân vận năm 2023.
Cán bộ làm dân vận là cầu nối vững chắc giữa Đảng với Nhân dân
Kinhtedothi - Sáng 8/1, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân vận năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.