Monday, 14:58 26/06/2017
Hà Nội nên cho phép doanh nghiệp viễn thông dùng chung cơ sở hạ tầng
Kinhtedothi - Tập đoàn Công nghệ CMC là một trong những DN tham gia chương trình hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông, tuy nhiên, lãnh đạo TP Hà Nội nên cho phép các DN sử dụng chung hệ thống cơ sở hạ tầng.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC bên lề Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác Đầu tư & Phát triển”, ngày 26/5.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng trao ghi nhớ hợp tác hạ ngầm hệ thống viễn thông cho ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC. |
Tập đoàn Công nghệ CMC là một trong những DN tham gia việc hạ ngầm cáp viễn thông. Vậy, ông có nhận xét như thế nào về chủ trương này của TP Hà Nội?- Ngay từ năm 2014 Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội xác định “Năm trật tự và văn minh đô thị”, trong đó nhiệm vụ thanh thải, sắp xếp lại các đường dây, cáp điện lực, thông tin, viễn thông trên các tuyến phố. Việc TP Hà Nội xác định hạ ngầm cáp viễn thông là một chủ trương đúng đắn, bởi muốn xây dựng hình ảnh Hà Nội là đô thị thông minh, văn minh không thể nào có tình trạng cáp viễn thông treo trên cột giữa không trung mà phải hạ ngầm như các TP lớn, hiện đại trên thế giới đang thực hiện.Tập đoàn Công nghệ CMC mặc dù đang vận hành, khai thác 3.500km cáp viễn thông nhưng được UBND TP cho phép thực hiện hạ ngầm cáp viễn thông theo hình thức xã hội hóa. Trong thời gian vừa qua, đơn vị đã hạ ngầm cáp viễn thông ở nhiều tuyến phố khác nhau với chiều dài lên đến 100km. Vừa rồi, Tập đoàn được TP lựa chọn là một trong những NĐT hạ ngầm hệ thống cáp ngầm với số tiền đầu tư lên đến 500 tỷ đồng; dự kiến từ nay đến hết năm 2017 sẽ hạ ngầm cáp viễn thông trên 6 tuyến phố. Quan trọng hơn cả trong quá trình thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông đã tạo cơ hội cho DN lập kế hoạch đầu tư hệ thống cáp viễn thông phù hợp với nhu cầu thực tế.Trong quá trình hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông, Tập đoàn Công nghệ CMC có gặp những vướng mắc khó khăn gì không?- Hiện hệ thống cơ sở hạ tầng sử dụng hạ ngầm cáp viễn thông có khá nhiều DN đầu tư xây dựng, vì vậy có khá nhiều vướng mắc khi sử dụng hạ tầng dùng chung do chưa thống nhất được đơn giá cho thuê phù hợp giữa DN sử dụng với DN cung ứng. Đơn cử trường hợp giữa CMC với đối tác Viettel và VNPT Hà Nội: Mặc dù Viettel và VNPT Hà Nội đã đưa ra đơn giá tạm tính, nhưng chúng tôi không biết mức giá họ đưa ra dựa trên cơ sở nào, đã được các sở liên quan kiểm nghiệm chưa. Nếu chúng tôi đồng ý với mức giá này thì sẽ gặp khó khăn khi làm việc với khách hàng. Nhưng không đồng ý thì không thể kéo cáp, xây hạ tầng phục vụ khách hàng như mong muốn.Đồng thời, việc GPMB trong quá trình hạ ngầm cáp viễn thông chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, nên DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.Vậy, theo ông, TP Hà Nội nên có giải pháp như thế nào để tạo điều kiện cho DN hạ ngầm cáp viễn thông?- Việc hạ ngầm cáp viễn thông không chỉ một mình Tập đoàn Công nghệ CMC thực hiện, mà còn nhiều DN cũng tham gia theo hình thức xã hội hóa, vì vậy các sở, ngành liên quan nên rút ngắn thời gian cấp phép, qua đó tạo điều kiện cho DN xây dựng và triển khai kế hoạch. Trong quá trình hạ ngầm cáp viễn thông liên quan đến vấn đề GPMB, vì vậy đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, UBND quận, huyện.Hiện nay, hạ tầng các tuyến cáp quang ngoài Tập đoàn Công nghệ CMC còn có nhiều DN thực hiện và khai thác như MobiFone, Viettel, điều này dẫn đến việc dư thừa cơ sở hạ tầng. Vì vậy, Tập đoàn Công nghệ CMC kiến nghị UBND TP nên xây dựng cơ chế chính sách cho phép các DN sử dụng chung hệ thống hạ tầng, ban hành quy chế quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông..., qua đó giảm bớt chi phí không cần thiết, hạ giá thành dịch vụ trong quá trình cung ứng mạng viễn thông tới người dân.Xin cảm ơn ông!