Theo số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2/2020 ước đạt 234,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 485,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 46,1 nghìn tỷ đồng, giảm 4,8% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 94,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Chia theo loại hình: Kinh tế nhà nước đạt 16,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng mức và tăng 3,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,8% và tăng 6,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,9% và tăng 7,8%.
Doanh thu khách sạn, nhà hàng chỉ đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% và giảm 8,1%; du lịch lữ hành đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,8% và giảm 9,5%; dịch vụ khác đạt 24 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,4% và tăng 4,1%.
Hiện nay, ngành du lịch và dịch vụ lưu trú, ăn uống đang bị ảnh hưởng nặng nề do tác động từ dịch Covid-19. Tỷ lệ hủy tour, hủy chỗ của các đoàn khách đối với DN du lịch tương đối cao. Đối với các tour du lịch quốc tế khách đến từ Trung Quốc 100% bị hủy bỏ, các tour đi đến các thị trường khác như Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan… cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong tháng 2, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội ước tính đạt 258 nghìn lượt khách, giảm 24% so với tháng trước và giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội đạt 597,9 nghìn lượt khách, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách từ Trung Quốc giảm 60%; Malaysia giảm 34,9%; Singapore giảm 19,6%; Thái Lan giảm 13,4%...
Khách đến từ các thị trường tiềm năng cũng giảm nhưng ít hơn như: Khách từ Mỹ giảm 7,5%; Đức giảm 6,4%; Pháp giảm 2,5%; Anh giảm 0,8%; Canada giảm 6,8%; Australia giảm 7,3%; Nhật giảm 11,9%. Trong khi khách du lịch trong nước đến Hà Nội 2 tháng cũng chỉ đạt 1.507 nghìn lượt khách, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn TP tháng 2/2020 ước tính đạt 707 triệu USD, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.728 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm so cùng kỳ, trong đó một số nhóm hàng kim ngạch giảm mạnh: Hàng nông sản giảm 44,7% (gạo giảm 58,3%; cà phê giảm 37,7%); hàng máy vi tính, điện tử và linh kiện giảm 30,5%; máy móc, thiết bị, phụ tùng giảm 26,8%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 2 tháng ước đạt 3.711 triệu USD, giảm 20,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ có nhóm hàng xăng dầu nhập khẩu tăng so với cùng kỳ (tăng 32,4%); các nhóm hàng nhập khẩu khác đều giảm mạnh như: Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 35,5%; thức ăn gia súc giảm 62,9%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện giảm 40,9%; máy móc thiết bị giảm 35,4%.
Với ngành vận tải hàng hóa, tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát 2 tháng 2020, doanh thu ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thời tiết diễn biến bất lợi, nhiều ngày lạnh, mưa phùn, ẩm ướt làm sức đề kháng vật nuôi giảm, bệnh cúm gia cầm (cúm A/H5N6) xảy ra cục bộ trên địa bàn, các ngành chức năng TP đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; chuẩn bị vật tư, hóa chất, vaccine để triển khai các giải pháp phòng chống; tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý khi có ổ dịch xảy ra.
Hiện tại, theo cơ quan thống kê, dịch bệnh chưa gây thiệt hại lớn đến sản xuất chăn nuôi nhưng tiềm ẩn nguy cơ đối với chăn nuôi gia cầm trên địa bàn nếu dịch bệnh không được khống chế.
Khẩn trương các giải pháp kinh tế giảm thiểu tác động từ dịch bệnh
Kinh tế - xã hội TP Hà Nội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19.
Trước tình hình đó, TP đã khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch bệnh; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; phát động phong trào khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong trên mọi lĩnh vực; kịp thời đề xuất nhiều giải pháp về kinh tế, tài chính, công nghiệp, dịch vụ, góp phần giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh.
Báo cáo của Sở KH&ĐT, dự báo trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong quý I/2020, sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 vẫn gặp khó khăn do các DN FDI đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường sử dụng lượng lớn lao động (quản lý, chuyên gia) của nước họ.
Việc hạn chế xuất nhập cảnh dẫn tới tình trạng thiếu nhân công để vận hành hoạt động các nhà máy, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, nguồn nguyên vật liệu dự trữ có hạn, chủ yếu đủ phục vụ cho sản xuất đến hết tháng 3/2020.
“Với tình trạng như hiện nay, các DN trong nước và FDI thuộc một số ngành như: Sản xuất thức ăn chăn nuôi, may mặc, điện tử… thiếu nguyên vật liệu đầu vào vì phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu. Nếu quý I/2020 dịch bệnh được khống chế thì các công ty, nhà máy tại Trung Quốc đang ngưng trệ do dịch bệnh cũng phải mất một thời gian phục hồi sản xuất” - Sở KH&ĐT đánh giá.
Về du lịch, nếu dịch bệnh được kiểm soát và kết thúc trong quý I/2020, Giải đua xe công thức 1 diễn ra như kế hoạch cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội diễn ra, ngành du lịch Thủ đô sẽ chặn được đà suy giảm từ quý II và tăng trưởng trở lại từ quý III/2020.
Đồng thời, số lượng khách du lịch quý I giảm 41,3%; quý II giảm 10%; quý III tăng 6,4%; quý IV tăng khá 15,5%. Nếu dịch bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng, khách du lịch sụt giảm mạnh thì tổng thu từ khách du lịch đạt 95.180 tỷ đồng, giảm 8,3% và đạt 81,5% kế hoạch năm 2020.
Trong tuần qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì Hội nghị đánh giá tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP năm 2020.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, mặc dù dịch bệnh đang ảnh hưởng nhiều đến các ngành như: Du lịch, công thương… Tuy nhiên, cần nhìn thấy cơ hội cho những ngành kinh doanh mới như: Thương mại, điện tử…, đặc biệt tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do với EU. Đây cũng là cơ hội để các DN tái cơ cấu tìm thị trường mới, thay đổi công nghệ. Hiện nay, Hà Nội có nhiều tiềm năng chưa khai thác hết như nhiều cụm công nghiệp có thể thu hút DN.
Về giải pháp tăng trưởng, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, làm sao cho người dân yên tâm, tự giác thực hiện hiệu quả việc phòng dịch, phấn đấu trên địa bàn TP không để xảy ra lây nhiễm chéo. Đồng thời, TP tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đầu tư trên địa bàn. Từng đơn vị, từng ngành cần rà soát, đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trước mắt cũng như lâu dài, nhất là giải pháp về vốn, việc làm...