Hà Nội: Nhiều tuyến phố nhếch nhác vì vật liệu xây dựng
Kinhtedothi – Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng…, thế nhưng, tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng trên vẫn ngang nhiên tồn tại.
Nhan nhản vi phạm
Trước tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh gây cản trở, mất ATGT…, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã triển khai nhiều đợt ra quân, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, những đợt ra quân đó hiện đang rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”.

Nói như vậy là bởi, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cũng như phản ánh của người dân, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng gây mất VSMT, mỹ quan đô thị, an toàn cho người tham gia giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến. Điển hình như: khu vực ngõ 120 đường Trường Chinh, ngõ 34 Xuân La, 533 Giải Phóng, ngõ 8 Võng Thị…

Tại khu vực ngõ 120 đường Trường Chinh, theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn diện tích vỉa hè đoạn giáp với bờ sông Lừ đã bị chiếm dụng làm nơi tập kết rác phế thải xây dựng, vật liệu xây dựng sai quy định.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, phường Phương Mai (quận Đống Đa) chia sẻ, ngõ 120 nối liền giữa đường Trường Chinh và phố Đông Tác – những tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông luôn ở mức cao, đặc biệt vào giờ cao điểm. Do đó, việc tồn tại của những “núi” phế thải, vật liệu xây dựng, đặc biệt là các kiêu gạch án ngữ vỉa hè, sát với lòng đường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông.

Tương tự, tại khu vực ngõ 34 đường Xuân La – tuyến đường khá khang trang, vỉa hè tương đối đồng bộ cũng bị chiếm dụng làm của riêng. Phản ánh với báo Kinh tế & Đô thị, một người dân sinh sống tại ngõ 34 đường Xuân La bức xúc cho biết, sự việc trên đã diễn ra từ lâu nhưng không được chính quyền cơ sở xử lý dứt điểm. Thậm chí, cứ có đoàn kiểm tra là vật liệu được thu dọn đi nơi khác như đã được báo trước (?).
Thiếu sát sao trong công tác quản lý
Liên quan đến tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè ngõ 120 đường Trường Chinh làm nơi tập kết rác phế thải, kinh doanh vật liệu xây dựng, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường Khương Thượng Nguyễn Hoàng Thắng cho biết, khu vực trên là địa bàn giáp ranh giữ phường Khương Thượng và phường Phương Mai. Tiếp thu phản ánh của báo, UBND phường Khương Thượng sẽ phối hợp với UBND phường Khương Mai tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định.

Trong khi đó, ngày 27/5, báo Kinh tế & Đô thị có bài “Dân khổ vì điểm tập kết vật liệu giữa khu dân cư tại phường Bưởi” phản ánh kiến nghị của người dân sinh sống tại ngõ 530 Thụy Khuê, ngõ 8 phố Võng Thị (phường Bưởi, quận Tây Hồ) về tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Tại thời điểm đó, lãnh đạo UBND phường Bưởi cho biết đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, giải tỏa, xử lý tình trạng tập kết vật liệu lấn chiếm lòng đường khu vực giáp ranh giữa ngõ 8 phố Võng Thị và ngõ 530 Thụy Khuê. Đồng thời khẳng định, đối với những khu vực là đường đi, các lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ bãi thu dọn, cam kết không tái vi phạm.

Đối với khu vực phía trước nhà của chủ cơ sở kinh doanh, UBND phường Bưởi đã yêu cầu chủ bãi thu dọn vật liệu xây dựng vào trong khuôn viên của nhà, không được lấn chiếm đường đi… nhằm đảm bảo trật tự đô thị, VSMT, mỹ quan đô thị, kiên quyết xử lý nghiêm nếu chủ cơ sở tái vi phạm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong sáng ngày 19/9, tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn.

Thực tế cho thấy, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng đã diễn ra từ lâu và trở thành một trong những nguyên nhân khiến bộ mặt đô thị tại Hà Nội nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Do đó, hơn lúc nào hết, các lực lượng chức năng, đặc biệt là chính quyền cơ sở cấp phường, xã cần khẩn trương vào cuộc, thường xuyên kiểm tra, xử lý dứt điểm những vi phạm.

Quận Cầu Giấy "nói không" với cửa hàng bánh Trung thu lấn chiếm vỉa hè
Kinhtedothi - Quận Cầu Giấy sẽ tạo mọi điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu để giúp doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, Quận sẽ kiên quyết xử lý những cơ sở lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh...

Ùn ứ giao thông vì lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm
Kinhtedothi - Lòng đường, vỉa hè, thậm chí ngay trước cổng trường cũng bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ, trông giữ phương tiện sai quy định gây cản trở, mất ATGT… là thực trạng đang diễn ra tại ngõ 538 đường Láng - tuyến đường chính dẫn vào trường THCS Láng Hạ (phường Láng Hạ, quận Đống Đa).