Hà Nội: Tăng cường giám sát sử dụng nhà ở xã hội
Kinhtedothi - Nhằm đẩy mạnh quản lý sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn, UBND TP Hà Nội sẽ tăng cường giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025".
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn TP đã có 12.659 căn hộ nhà ở xã hội tại 23 dự án được xét duyệt bán, cho thuê, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở. Việc xét duyệt cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng. Điển hình như dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp không sử dụng; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp...
Về nguyên nhân, theo Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, UBND các quận, huyện, nơi có nhà ở xã hội và những bên liên quan chưa thực hiện tốt việc giám sát sử dụng nhà ở xã hội; chưa quan tâm đến việc kiểm tra, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng nhà ở chung cư theo quy định...
Nhằm đẩy mạnh quản lý sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn, UBND Thành phố xác định 5 giải pháp cụ thể.
Một là, tăng cường giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Hai là, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng nhằm kiểm tra danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Ba là, tăng cường giám sát sử dụng nhà ở xã hội. Theo đó, UBND quận, huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội và các chủ đầu tư nhà ở xã hội thực hiện đúng, đầy đủ nội dung quy định về giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Công an TP chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội thông qua quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng để theo dõi những hộ, nhân khẩu đang cư trú thực tế; nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ gia đình và xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo hành, bảo trì nhà ở xã hội theo quy định.
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng nhà ở xã hội thông qua hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh lao động tại các công trình đang thi công.
Cần có cuộc "đại cách mạng" về phát triển nhà ở xã hội
Kinhtedothi - Trong chương trình mục tiêu Quốc gia về nhà ở giai đoạn 2010 – 2020, Chính phủ đề ra mục tiêu đến hết năm 2020 cả nước sẽ có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân và người thu nhập thấp. Nhưng đến thời điểm này mới chỉ đạt khoảng 43% kế hoạch, đáp ứng 42% nhu cầu, vì vậy cần phải có cuộc “đại cách mạng” về NƠXH để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần căn cứ vào điều kiện thực tế
Kinhtedothi - Thời gian qua, mặc dù được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhưng chương trình phát triển nhà ở xã hội vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Vì vậy, cần phải tạo những cơ chế thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho người dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế.
Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về đề xuất xây 6 - 10 triệu căn nhà ở xã hội
Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về đề xuất “đại cách mạng” xây Nhà ở xã hội quy mô từ 6 - 10 triệu căn cho các đối tượng an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của Tập đoàn APEC (APEC Group).