Hãy mơ từ thực tại
Kinhtedothi - Một vấn đề thời sự đang được nhiều người quan tâm đó là định hướng mục tiêu cho bóng đá Việt Nam.
Người bảo, VFF hãy tập trung vào đấu trường khu vực nơi được coi là vừa tầm với sức vóc của nền bóng đá. Ý kiến khác lại chỉ trích VFF không biết tận dụng những thời cơ vàng để vươn ra sân chơi châu lục và thế giới.
Thời cơ vàngThành công của đội tuyển U20 Việt Nam, đội tuyển futsal ở đấu trường World Cup và một chút nào đó của U16 đã mang đến những thay đổi quan trọng trong nhận thức của những người làm bóng đá. Các nhà chuyên môn cho rằng, thông qua các cột mốc mang tính lịch sử, chúng ta có thể tin tưởng rằng, bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra sân chơi lớn nếu có được sự đầu tư xứng đáng.
Thực tế cho thấy, cả ba đội tuyển kể trên đều có một điểm chung là sự bài bản về đào tạo. Đội tuyển U16 và U19 quốc gia là tập hợp của những trung tâm đào tạo trẻ hàng đầu đất nước. Trong đó, Viettel, PVF, Hà Nội và HAGL đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng cho công tác đào tạo trẻ thời gian vừa qua. Họ đã dày công tuyển chọn những cầu thủ có tố chất về thể hình, kỹ thuật và đào tạo trong cả chục năm trời. Hệ quả là các đội tuyển đã có một dàn cầu thủ đủ thể hình, thể lực và tư duy trận mạc thi thố với những đội bóng hàng đầu châu lục. Riêng với đội tuyển futsal, trong nhiều năm qua ông bầu Trần Anh Tú đã chi hàng chục tỷ đồng thuê HLV ngoại đến huấn luyện và đưa đi nước ngoài tập huấn nhằm nâng cao kinh nghiệm trận mạc.Sau thành công ban đầu từ các đội tuyển trẻ cũng như futsal, những nhà chuyên môn cùng chung nhận định, bóng đá Việt Nam có thể vươn ra biển lớn nếu có một chiến lược phát triển hợp lý. Vấn đề là phải có một chiến lược tổng thể về tuyển chọn, đào tạo, dinh dưỡng và huấn luyện phù hợp.Tìm ra cơ chế tốt nhấtBóng đá Việt Nam phải hướng đến những sân chơi lớn như Asian Cup hay World Cup. Đó là cái đích bắt buộc phải hướng tới. Những thành công vừa qua sẽ đặt nền móng cho những tham vọng lớn. Nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc, đã đến lúc bóng đá Việt Nam bỏ qua đấu trường châu lục để một bước nhảy ra sân chơi lớn. Cái khó với bóng đá Việt Nam là không có được nền tảng như Thái Lan. Họ có một hệ thống đào tạo trẻ cực tốt với sự chống lưng của nhiều tỷ phú đô la. Hàng chục cầu thủ của Thái Lan đã được gửi ra nước ngoài đào tạo dài hạn. Giải vô địch Thái Lan, các đội tuyển cũng được sự hỗ trợ từ các tỷ phú. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam vẫn đang phải gồng mình tìm đủ nguồn lực cho những khoản chi khiêm tốn. Việc xã hội hóa bóng đá đang gặp rất nhiều khó khăn bởi cuộc khủng hoảng về tài chính. Vì thế, để có được sự đầu tư Thái Lan đang làm là điều không thể.Với những gì đang có, đấu trường khu vực là thực tế nhất cho bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, ngay cả khi chúng ta ưu tiên nó là số 1, chưa chắc đã có được danh hiệu mong muốn, bởi các đối thủ Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia cũng không muốn về nhì và họ cũng có những nền tảng tốt nhất. Vì thế, thay vì đặt ra những mục tiêu rất lớn, bóng đá Việt Nam hãy tìm ra một cơ chế để có thể duy trì sự ổn định về cơ cấu tổ chức, cố gắng làm trong sạch sân chơi quốc nội và hướng đến việc đào tạo trẻ một cách bài bản, ắt tương lai sẽ đến.