Friday, 09:39 14/10/2016
Hiện đại hóa hệ thống đèn tín hiệu giao thông để giảm ùn tắc
Hệ thống đèn tín hiệu giao thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần trong việc giữ gìn trật tự ATGT trên các tuyến đường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, phần lớn hệ thống đèn tín hiệu tại các nút giao trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. Do đó, cần nhìn nhận nghiêm túc để xây dựng một hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tế giao thông Thủ đô.
Một tín hiệu đèn nhiều hướng đi
Ngã tư Minh Khai – Tam Trinh – Kim Ngưu là khu vực có mật độ giao thông lớn tại Hà Nội. Vào giờ cao điểm, lực lượng CSGT với sự hỗ trợ của bảo vệ khu đô thị gần đó đã phải căng mình để tổ chức giao thông. Thế nhưng, chỉ cần các lực lượng chức năng lơi là, lập tức xảy ra ùn ứ, lộn xộn. Nguyên nhân một phần do hệ thống đèn tín hiệu tại đây chưa được bố trí hợp lý.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nút giao này, tín hiệu đèn theo hướng Kim Ngưu – Tam Trinh cùng lúc cho xe đi thẳng và xe rẽ trái đi Minh Khai dẫn đến những nguy hiểm cho người đi đường và thường xuyên rơi vào cảnh hỗn loạn vì xung đột. Một số lái xe chia sẻ, việc cho phép xe đi thẳng và rẽ trái cùng lúc chỉ nên áp dụng ở những đường nhỏ, chứ đường lớn, nhiều loại xe chạy thì cần áp dụng chế độ đèn cho phù hợp, tránh để xung đột rất nguy hiểm. “Xe máy không thể nào rẽ trái trong khi làn xe ô tô đang chạy thẳng. Tôi toàn phải chạy cắt đầu xe ô tô, biết là nguy hiểm nhưng nếu không thì lại phải chờ thêm một lần đèn đỏ nữa” – chị Nguyễn Hồng Hạnh tại quận Hoàng Mai bức xúc.
Đồng tình quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông cho rằng, đèn tín hiệu giao thông tại Hà Nội hiện có nhiều cụm đèn, nhịp đèn đã tồn tại từ khá lâu và nay không còn phù hợp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở các nút giao. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, việc đặt chu kỳ đèn cố định chỉ chấp nhận được khi mật độ giao thông còn thấp. Khi lượng phương tiện tăng lên thì cần phải rà soát và cân chỉnh lại chu kỳ đèn, dựa vào điều kiện thực tế của từng hướng đi tại các nút giao thông. “Có khi năm nay thì lượng phương tiện rẽ phải nhiều nhưng sang năm, đường mới mở ra theo hướng ngược lại thì người ta lại di chuyển sang phía trái nhiều hơn. Do đó, phải kiểm tra và thay đổi chu kỳ đèn tùy theo tình hình thực tế và sự biến đổi của mật độ giao thông của từng hướng đi, không thể cứ áp dụng một chu kỳ cố định từ năm này qua năm khác” - PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nhấn mạnh.
Cần một nhạc trưởng
Để giải quyết những bất cập liên quan đến đèn tín hiệu hiện nay, Ths Vũ Anh Tuấn - Giảng viên bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT, trường Đại học GTVT cho rằng, phải giải quyết ba vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, cần xây dựng một quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về đèn tín hiệu điều khiển giao thông trong môi trường đô thị. Thực tế ở Hà Nội đang xây dựng một hệ thống đèn tín hiệu không tuân thủ theo một quy chuẩn thống nhất dẫn đến có nhiều bất cập giữa các hệ thống đèn khác nhau của các nước trên thế giới tài trợ như của Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc... Trên thế giới việc điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu đã có rất nhiều tài liệu gồm các tiêu chuẩn và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để thiết kế, khai thác vận hành và chúng ta hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm này.
Thứ 2, hiện hệ thống đèn điều khiển tại các nút giao thông ở Hà Nội đa phần đang hoạt động một cách độc lập theo chương trình điều khiển cố định, chưa xem xét đến các giải pháp kỹ thuật phân luồng các chuyển động rẽ tại nút, và phân chia không gian hợp lý giữa các phương tiện, nhất là xe 2 bánh. Chương trình điều khiển đèn tín hiệu vì vậy không phù hợp với sự biến động của nhu cầu giao thông. Trong một ngày lưu lượng giao thông thường có diễn biến gồm có cao điểm, thấp điểm, giờ bình thường, dẫn đến chương trình điều khiển đèn cũng phải diễn biến phù hợp theo sự biến động của nhu cầu mới hợp lý. Vào giờ cao điểm, chu kỳ đèn phải thay đổi, kéo dài và ưu tiên những dòng giao thông có lưu lượng lớn để phân phối thời gian đèn xanh nhiều hơn. Tuy nhiên, chu kỳ đèn hiện nay ở Hà Nội giờ cao điểm, thấp điểm phần lớn đang cố định như nhau dẫn đến tại rất nhiều nút giao thông xảy ra tình trạng cao điểm thì xảy ra ùn tắc, thấp điểm lại phải chờ lâu.
Cuối cùng, đó là vấn đề về công tác quản lý, điều hành hệ thống đèn tín hiệu. Hiện đơn vị được giao quản lý và vận hành trung tâm điều khiển giao thông của Hà Nội thuộc Công an TP, trong khi đơn vị chuyên môn về giao thông là Sở GTVT chưa có sự phối hợp chặt chẽ. CSGT chỉ là đơn vị thực thi, cưỡng chế, giám sát việc xử phạt những hành vi vi phạm giao thông. Việc điều khiển hệ thống đèn tín hiệu phù hợp ra sao, linh động theo thời gian như thế nào lại không phải chuyên môn của họ.
Ths Vũ Anh Tuấn cho rằng bất kỳ một hệ thống điều khiển giao thông nào cũng phải được tính toán, tích hợp ba vấn đề trên lại với nhau để tạo được sự hoàn chỉnh. Cũng theo ông Tuấn, ở các nước tiên tiến, việc phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một việc tất yếu. Hệ thống này cho phép điều khiển giao thông theo nhu cầu của thời gian thực, trạng thái thực ở mỗi một thời điểm trên nút và phối hợp toàn mạng lưới với nhau giúp việc lưu thông của các phương tiện thuận lợi nhanh chóng và an toàn hơn.
Hiện đại hóa hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu là một trong những lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông hiện nay. Do đó, TP Hà Nội cần khẩn trương nghiên cứu ứng dụng các giải pháp giao thông thông minh trong quản lý điều hành và xử phạt vi phạm. Hiện, công nghệ, phần mềm quản lý hệ thống giao thông thông minh, trong nước có những đơn vị hoàn toàn có thể đáp ứng được. Vấn đề quan trọng là cần có một cơ quan quản lý đóng vai trò chủ đạo kết nối tất cả các yếu tố kỹ thuật, chức năng, thể chế lại với nhau. Ths Vũ Anh Tuấn Giảng viên bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT, trường Đại học GTVT |