Thầy Vinh cho biết, lớp thí điểm nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí có 40 sinh viên và nghề Cơ điện tử có 30 sinh viên. Thời gian học sẽ diễn ra từ 2 đến 2,5 năm, tùy theo từng nghề với thời lượng chương trình thiết kế khoảng 90% thực hành và 10% lý thuyết.
Để theo học được hai nghề này bằng chương trình nhập khẩu của Australia yêu cầu sinh viên phải có trình độ tiếng Anh tối thiểu A2. Sau đó, nhà trường sẽ bồi dưỡng thêm trong 6 tháng, rồi tuyển chọn những em đạt trình độ B1 để học được các môn bằng tiếng Anh.
Theo thầy Vinh, nhà trường đào tạo hai nghề là thực hiện quyết định của Bộ LĐTB&XH về việc cho phép sử dụng 12 bộ chương trình chuyển giao của Úc để đào tạo thí điểm cấp bằng tốt nghiệp CĐN của Australia và bằng tốt nghiệp CĐN của Việt Nam cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế.
Để tổ chức đào tạo 2 nghề thí điểm, từ đầu năm 2014, Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đã cử 5 giáo viên sang Australia học tập tại Học viện Chisholm 5 tháng để học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp sư phạm đạt tiêu chuẩn để giảng dạy các nghề chuyển giao từ Úc. Phó Hiệu trưởng của trường cũng sang nước bạn để tham quan, học tập về phương pháp quản lý đào tạo. Cùng với đó, Tổng cục dạy nghề, TP Hà Nội cấp kinh phí để trường sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, phòng học, mua sắm một số thiết bị dạy nghề cơ bản theo tiêu chuẩn của Úc để chuẩn bị cho công tác đào tạo thí điểm…
“Với việc thực hiện đào tạo thí điểm các nghề theo chương trình của Australia không chỉ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là cơ hội lớn cho nhiều thanh niên, sinh viên có cơ hội học tập các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội tốt để các thầy cô giáo, cán bộ quản lý được học tập, nâng cao trình độ, làm việc, giảng dạy theo chương trình, công nghệ hiện đại của nước ngoài để có thể đóng góp tích cực vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”- thầy Phạm Đức Vinh nhấn mạnh.