Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, TP

Kinhtedothi - Ngày 21/11, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội và Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, nhằm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.
  Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội nghị
Đặc biệt, là các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp,… tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô khi tăng cường khai thác nhiều thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối của Thành phố Hà Nội và tăng cường các kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, thành phố Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 02 hội nghị, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 18 tuần lễ trái cây, nông sản; ký kết gần 1.000 biên bản ghi nhớ; đã có trên 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn Thành phố và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Ngoài việc tổ chức các hội nghị, sự kiện kết nối, Hà Nội đã thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành phố cung cấp danh sách các nhà sản xuất cho các nhà kinh doanh - phân phối để hỗ trợ kết nối trực tiếp; hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm trái cây đến 766 hộ kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành và các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối; hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm thường xuyên nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối Nhà sản xuất - Nhà phân phối - Người tiêu dùng, góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội, đặc biệt, là trong các dịp lễ, tết. Ngoài ra, Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài: Hệ thống AEON - Nhật Bản, hệ thống Lottemart - Hàn Quốc; Hệ thống tập đoàn Centragroup - Thái Lan; Chợ đầu mối Rungis - Pháp góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trên thị trường các nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước (gồm 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 454 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn của 12 quận nội thành, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...) có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn Thành phố hiện vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu của nhân dân; Hàng năm, Hà Nội đón trên 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó, gần 6 triệu lượt khách quốc tế. Về tiềm năng thị trường, hiện nay Hà Nội được đánh giá là thị trường bán lẻ mới nổi, được bình chọn đứng thứ 13/19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới; Lọt vào top 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hà Nội luôn được đánh giá là Thành phố năng động, có điều kiện cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, nhân lực, tài chính… để phát triển mạnh mẽ thương mại hiện đại, đáp ứng xu thế thương mại điện tử trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh thương mại của Hà Nội nói riêng đã và đang giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại hiện đại với nhiều tiện ích. Hơn 250.000 doanh nghiệp của Thành phố luôn ý thức việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại như FTA, AEC, CPTPP; tìm kiếm, đổi mới sáng tạo các phương thức kết nối theo hướng đa kênh, kết nối theo chuỗi, kết nối ứng dụng kỹ thuật số để rút ngắn thời gian, khoảng cách về địa lý giữa người sản xuất và tiêu dùng, kết nối tiêu thụ, phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm,...

Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho rằng, Hội nghị giao thương kết nối cung cầu gắn với sự kiện Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2018 tại Hà Nội... sẽ là một chuỗi sự kiện liên kết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của Hà Nội và các địa phương một cách ổn định, bền vững.

Hội nghị thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Bộ Công Thương, của các bộ, ban, ngành Trung ương, Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh, Thành phố trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản Việt Nam tại thị trường Hà Nội nói riêng, thị trường trong nước, xuất khẩu nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, hình thành các chuỗi liên kết gắn với hợp tác, phát triển kinh tế xã hội của nhiều Vùng trên cả nước. 

Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với quan điểm “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; xây dựng văn hóa tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc”, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ” đặt ra một sô mục tiêu cụ thể về phát triển thị trường trong nước, được các cấp, ngành triển khai thực hiện trong thời gian qua và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị 

Theo nhận định, trong bổi cảnh hiện nay, thị trường nội địa đã trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế khi thương mại tại thị trường trong nước tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP và thu hút khoảng 6-7 triệu lao động chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Điều đó chứng tỏ một tiềm năng to lớn của thị trường nội địa, sức mạnh của các doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của nước ta.

Việc tăng cường hoạt động của doanh nghiệp trong nước, tổ chức tiêu thụ mạnh hàng hóa của ta trên thị trường nội địa cũng chính là để bảo vệ “biên giới mềm” của đất nước. Nhưng việc tăng cường năng lực của doanh nghiệp và hàng hóa nước ta trên thị trường nội địa không chỉ dựa vào khả năng cạnh tranh của hàng hóa được sản xuất ra mà còn phải thông qua hoạt động tổ chức thị trường thiết lập hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong nước. Nếu tổ chức tốt các doanh nghiệp sẽ có sức mạnh liên kết, vượt qua những khó khăn, có thị trường phát triển bền vững và hiệu quả hơn.

Để làm được việc đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ban ngành; Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt.

Công tác kết nối cung cầu thời gian qua đã bước đầu mang lại một số kết quả tích cực, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội trên các mặt như: Góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội; Thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phục vụ người dân và xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tại thị trường nội địa.

Thứ trưởng cho rằng, qua theo dõi, Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương tích cực, đầu tàu trong công tác kết nối cung cầu và bình ổn thị trường. Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong công tác kêu gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia, hưởng ứng các chương trình của Bộ Công Thương tổ chức như “Tuần hàng Việt Nam” tại các siêu thị lớn ở nước ngoài như Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản), Lotte Mart (Hàn Quôc), Coop Italia (Ý), Casino (Pháp)... đóng vai trò quan trọng trong kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Có thể nói Hà Nội không chỉ là trung tâm tiêu thụ mà còn là nơi thu hút các hoạt động giao thương, kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, kết nối doanh nghiệp với các thị trường, đưa sản phẩm của Việt Nam đến mọi miền tổ quốc và đến các thị trường nước ngoài”, Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, Theo Thứ trưởng, hoạt động kết nối cung cầu thời gian qua còn một số tồn tại từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan như: cung— cầu tại một số kênh phân phối, các chợ truyền thống chưa hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao; một số doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; các hộ nông dân... do chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng đươc tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Các doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguôn hàng ổn định và có chất lượng...

Bộ Công thương khẳng định luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong công tác kết nối cung cầu, nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó cùng các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, cũng như thực hiện tốt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018.

Tại hội nghị Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh đã giới thiệu trang web “Nông sản an toàn Hà Nội”: nongsanantoanhanoi.gov.vn qua đó kích cầu thói quen tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn, có nguồn gốc xuất xứ của người dân Thủ đô. Đây là một trong những hoạt động hiệu quả, thiết thực của Trung tâm HPA hỗ trợ DN trong việc tăng cường quảng bá cho các sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ