TP Hồ Chí Minh:
Hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết
Kinhtedothi - Ngày 13/1, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và đi kiểm tra tình hình thực tế về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn TP.
Báo cáo với đoàn công tác, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần. Trong đó, bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả...

Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có).
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp UBND quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên đại bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động; kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…
Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một.
Đặc biệt, một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết.
Đối với giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường cũng được duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng.
Cùng với đó, Chương trình Bình ổn thị trường cũng không điều chỉnh tăng giá trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết.


Sở Công Thương cũng xác định, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm; các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.
Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh cũng triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (tick xanh trách nhiệm), từ đó kịp thời chia sẻ thông tin nhà cung cấp vi phạm cam kết chất lượng.
Đồng thời đẩy mạnh truyền thông tại điểm bán, hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt, ưu tiên mua sắm sản phẩm “tick xanh trách nhiệm”.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Ất Tỵ 2025 của TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, đây là năm thứ hai TP Hồ Chí Minh triển khai Chương trình Bình ổn thị trường theo Quy chế tại QĐ 4556/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 của UBND TP.
Theo đó, doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của Chương trình. Từ đó góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra tình huống khan hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá.

10 dấu ấn nổi bật năm 2024 của TP Hồ Chí Minh
Kinhtedothi – 10 dấu nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2024 trên các lĩnh vực: chính trị; kinh tế; chuyển đổi số và cải cách hành chính (CCHC); giao thông, đô thị; văn hóa, xã hội.

TP Hồ Chí Minh cần hơn 28.500 lao động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kinhtedothi - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, dựa trên khảo sát từ 3.072 doanh nghiệp, dự kiến nhu cầu cần tuyển dụng lao động tại TP Hồ Chí Minh trước Tết Nguyên đán 2025 là 28.525 vị trí làm việc.

TP Hồ Chí Minh: thưởng Tết Nguyên đán 2025 cao nhất hơn 1,9 tỷ đồng
Kinhtedothi - Mức thưởng Tết năm 2025 cao nhất tại TP Hồ Chí Minh là hơn 1,9 tỷ đồng, thuộc về một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).