Huyện Đan Phượng thông tin chính thức về kết quả kiểm nghiệm sữa trong trường học
Kinhtedothi – Huyện Đan Phượng đã thông tin chính thức về kết quả kiểm nghiệm 2 mẫu sữa tươi và sữa chua sử dụng trong trường học sau khi có phản ánh hiện tượng một số học sinh bị đau bụng, ngộ độc nghi ngờ do sữa tại một số trường học trên địa bàn.
Theo thông tin từ UBND huyện Đan Phượng, thời gian vừa qua, trên mạng xã hội, trang tin, báo chí đã đưa tin liên quan đến hiện tượng một số học sinh bị đau bụng, ngộ độc nghi ngờ do sữa tại một số trường học trên địa bàn huyện. Ngay sau đó, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh.
Cụ thể là Quyết định số 6116/QĐ-UBND ngày 25/9/2024 về việc thành lập đoàn xác minh theo dư luận phản ánh sản phẩm từ sữa vào trường học; Công văn số 2118/UBND-YT ngày 25/9/2024 về việc yêu cầu báo cáo kết quả dư luận phản ánh sản phẩm từ sữa vào trường học.
Kết quả ban đầu của công tác kiểm tra xác minh cho thấy, sản phẩm từ sữa được báo chí nêu “sữa lạ” là sữa tươi thanh trùng “Núi Tản Ba Vì” và sữa chua “Núi Tản Ba Vì” do Công ty CP Sữa Núi Tản Ba Vì sản xuất (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số: 0110058450 do Sở KH&ĐT Hà Nội cấp ngày 12/7/2022; Giấy chứng nhận số 58/GCNATTP-SCT về cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Sở Công Thương Hà Nội cấp ngày 3/10/2022).
UBND huyện Đan Phượng cũng đã lập đoàn liên ngành thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên sản phẩm sữa tươi và sữa chua của Công ty CP Sữa Núi Tản Ba Vì để xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế.
Kết quả xét nghiệm 2 mẫu sữa tươi và sữa chua của Công ty CP Sữa Núi Tản Ba Vì tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy đều đạt tất cả các chỉ tiêu theo Quy chuẩn quốc gia số QCVN 5-5:2010/BYT đối với các sản phẩm sữa lên men và QCVN 5-1:2010/BYT của Bộ Y tế về các sản phẩm sữa dạng lỏng.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết thêm, theo báo cáo của các đơn vị trường học và trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn huyện không ghi nhận các trường hợp học sinh bị đau bụng, dị ứng hay dấu hiệu ngộ độc… do ảnh hưởng của sữa tươi thanh trùng “Núi Tản Ba Vì” và sữa chua “Núi Tản Ba Vì”.
“Do vậy, UBND huyện Đan Phượng khẳng định những nội dung do dư luận và báo chí nêu về hiện tượng ngộ độc thực phẩm tại các trường học ở huyện Đan Phượng là không đúng sự thật” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng nhấn mạnh.
Trước đó, UBND huyện Đan Phượng cũng có Công văn số 2106/UBND ngày 25/9/2024 gửi Cục Báo chí (Bộ TT&TT) khẳng định, không có vụ ngộ độc thực phẩm nào trong các nhà trường có tổ chức ăn bán trú.
Theo thống kê, toàn huyện Đan Phượng có 55 trường học công lập, trong đó, mầm non 19 trường (100% trường tổ chức bán trú), tiểu học 20 trường (15 trường tổ chức ăn bán trú), THCS 16 trường. Được biết, trong năm học 2023 - 2024, các cơ quan chức năng huyện Đan Phượng đã tổ chức thẩm định và đánh giá 21 cơ sở cung cấp thực phẩm, suất ăn sẵn, nước uống đóng bình, chai, các sản phẩm từ sữa.
Huyện Đan Phượng bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học
Kinhtedothi – Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học luôn được huyện Đan Phượng quan tâm chỉ đạo thông qua hoạt động tuyên truyền, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các bếp ăn trường học và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc.
Huyện Đan Phượng chú trọng truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn trường học
Kinhtedothi - Ngày 13/9, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đan Phượng đã kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Trường Mầm non huyện Đan Phượng và Trường Mầm non thị trấn Phùng.
Huyện Hoài Đức: các trường dừng sử dụng sản phẩm sữa Núi Tản Ba Vì
Kinhtedothi - Sau khi có thông tin phản ánh chất lượng sữa Núi Tản Ba Vì có vấn đề, các trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức đã cho dừng sử dụng sản phẩm này, chờ kết luận của cơ quan chức năng.