Theo Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 - 2020”, huyện Gia Lâm sẽ xây dựng mới 1 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trên địa bàn, triển khai 4 nhóm mô hình tiến bộ kỹ thuật tại các vùng rau, quả chuyên canh trên địa bàn các xã, thị trấn; lập, phê duyệt 4 khu vực chuyển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư, tiếp tục giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại các xã có đàn vật nuôi lớn; tiếp tục chuyển đổi 230,02ha diện tích lúa, màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn 14 xã…
|
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. |
Đối với kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp và công thương, huyện phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương có kiến thức thực hành đúng về ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, 100% các hộ kinh doanh tại chợ được xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Các sản phẩm kinh doanh tại chợ đảm bảo điều kiện ATTP…
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó chủ tịchUBND huyện Gia Lâm yêu cầu lãnh đạo 22 xã, thị trấn quan tâm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, khai thác sử dụng có hiệu quả đất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững kết hợp với du lịch sinh thái và định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị.
Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã giao Phòng kinh tế tham mưu UBND huyện triển khai và tổ chức thực hiện các Đề án. Hướng dẫn, hỗ trợ các xã Lệ Chi, Kim Sơn, Dương Quang, Văn Đức, Phù Đổng và Trung Mầu xây dựng kê hoạch, triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh. Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý đảm bảo ATTP, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời những vi phạm về ATTP trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh thực phẩm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến xấu trên địa bàn cả nước, huyện Gia Lâm yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn huyện với phương châm: Phòng bệnh là chính, chống dịch kịp thời; thực hiện khai báo kịp thời cho cán bộ Thú y hoặc UBND xã, thị trấn khi thấy đàn lợn đang nuôi có hiện tượng ốm, chết bất thường. Trước mắt, toàn huyện Gia Lâm tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, tránh gây hoang mang, bức xúc trong Nhân dân.