Huyện Phú Xuyên thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới xây dựng huyện thông minh
Kinhtedothi - Đẩy mạnh lĩnh vực chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để hướng tới xây dựng huyện thông minh, huyện Phú Xuyên đặt ra mục tiêu chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột theo kế hoạch là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Thời gian qua các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện Phú Xuyên từng bước phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, bộ phận một cửa cấp huyện, xã, thị trấn được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đáp ứng việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC).
Trong phát triển nền tảng, hệ thống, các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã, thị trấn của Phú Xuyên đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành dùng chung theo mô hình quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông 4 cấp, có sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử.
Chia sẻ về nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của huyện đã sớm thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin do T.Ư và các bộ ngành triển khai. Xác định thương mại điện tử đang trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế số.
Qua đó, thời gian gần đây, UBND huyện Phú Xuyên đã xây dựng sàn thương mại điện tử Phuxuyen.trangvang.top để đưa các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiểu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn vào chương trình để quảng bá, xúc tiến, giới thiểu sản phẩm tới người tiêu dùng.
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ, để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận kinh tế số, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND huyện đã mở 10 lớp tập huấn cơ bản và nâng cao về cách thức bán hàng là những sản phẩm của làng nghề trên sàn thương mại điện tử, trên nền tảng mạng xã hội. Từ đó, giúp các cá nhân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất trên toàn địa bàn huyện được tiếp cận về những kiến thức bán hàng online; hiểu rõ thêm nguyên tắc cơ bản của thương mại điện tử và nền tảng trực tuyến, tìm cơ hội kinh doanh mới thông qua các nền tảng trực tuyến.
Phú Yên và Đại Thắng là những xã có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng có số lượng bán hàng online, quảng cáo đã có sự thay đổi rõ rệt. Từ chỗ làng nghề ít người biết đến, nay nhờ quảng bá qua công nghệ và nền tảng mạng xã hội, làng nghề giày dép da, làng nghề mộc, kim cơ khí…của địa phương đã được nhiều người biết đến.
Đặc biệt hơn, khi toàn bộ số hộ gia đình sản xuất cùng tham gia, địa phương dễ dàng tuyên truyền để việc buôn bán kinh doanh đúng quy định của pháp luật. Mặt khác là giữ được uy tín, chất lượng, thương hiệu cho làng nghề cũng như sản phẩm của làng nghề truyền thống.
Anh Trần Tuấn Hải, chủ một shop chuyên bán sản phẩm đặc sắc của làng nghề Phú Đôi, xã Đại Thắng chia sẻ về lợi ích "thôn thông minh": “Trước đây, cuộc sống bận rộn, mạnh ai nấy làm, nhưng nay nhờ vào công nghệ mà tình làng nghĩa xóm keo sơn hơn, ai có việc gì là chia sẻ thông tin và giúp đỡ, động viên nhau khá kịp thời cùng phát triển. Thêm nữa, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn so với trước rất nhiều. Anh em trong các nhóm tổ công nghệ số cộng đồng, nhóm Zalo Nhân dân trong địa phương đều vận động nhau bán hàng đúng giá, bảo đảm chất lượng, xây dựng thông tin minh bạch, phục vụ khách hàng tốt nhất, cạnh tranh lành mạnh để làng nghề phát triển hơn nữa”.
Hiệu quả thiết thực
Không chỉ ở Phú Yên, Đại Thắng, việc xây dựng "thôn thông minh" cũng đã đem tới nhiều thay đổi với đời sống của người dân xã Tri Trung. Phó Công an xã Tri Trung Nguyễn Đức Tôn thông tin, UBND xã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn xã với gần 20 thành viên do trưởng thôn làm tổ trưởng.
Cùng với đó các thành viên là đoàn viên thanh niên, hội viên chi hội phụ nữ, công an viên thôn, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh thôn tại địa bàn xã về việc cài đặt, sử dụng ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Để phát triển xã hội số, UBND huyện tăng cường chỉ đạo lắp đặt mạng truyền dẫn cáp quang đến từng địa phương, mua sắm máy vi tính…. Với kết quả khả quan từ mô hình Trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn thông minh được triển khai hạ tầng mạng không dây, Internet miễn phí phục vụ người dân, giúp người dân có thể truy cập internet mọi lúc, mọi nơi.
UBND huyện tăng cường khuyến khích dân số trong độ tuổi trưởng thành mở các tài khoản thanh toán điện tử. Thí điểm triển khai các khu chợ thông minh, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách quét mã QR code; đồng thời, tạo thuận tiện trong việc nộp phí, lệ phí, thuế một cách nhanh chóng, chính xác.
Ngành giáo dục huyện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở các cấp học. Mô hình Trường học số (thực hiện lưu trữ hồ sơ trường trên hệ thống điện toán đám mây, đăng ký và sử dụng chữ ký số trong xác nhận hồ sơ) triển khai tại các trường mầm non, tiểu học và THCS. Các trường từng bước hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, thư viện số.
Chuyển đổi số trong ngành Y tế cũng được thực hiện. Tại bệnh viện đa khoa Phú Xuyên, thực hiện chuyển đổi số, khi đến khám chữa bệnh, bệnh nhân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip điện tử đăng ký thủ tục, không cần mang theo bảo hiểm y tế. Từ đầu năm 2024, Bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, số hoá tài liệu trong hồ sơ bệnh án, chuyển từ bản giấy sang điện tử.
“Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, Phú Xuyên xác định cần phải thực hiện nhiều phương án, kế hoạch bài bản, triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và động lực, nguồn lực của chuyển đổi số theo đúng tinh thần chỉ đạo của TP để đạt được kết quả cao” - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính khẳng định.
Phú Xuyên triển lãm quảng bá, giao thương kết nối sản phẩm Ocop trong 4 ngày
Kinhtedothi - Chương trình triển lãm quảng bá, giao thương kết nối sản phẩm Ocop, thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên năm 2024 sẽ tổ chức trong 4 ngày (từ 24 - 27/10/2024) với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, hứa hẹn thu hút đông đảo du khách và người dân.
Xây dựng con người, miền quê Phú Xuyên đậm nét văn hóa
Kinhtedothi - Trải qua hàng trăm năm, nhiều giá trị văn hóa được lưu giữ cùng con người cần cù, sáng tạo đang tạo sức bật, sự đổi thay cho huyện Phú Xuyên ngày càng phát triển kinh tế xã hội.
Người dân Phú Xuyên không phải chờ đợi lâu khi giao dịch thủ tục hành chính
Kinhtedothi - Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Phú Xuyên đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt để tạo bước tiến trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Từ huyện nằm ở tốp cuối của TP về CCHC, nay Phú Xuyên đã từng bước vươn lên nhóm dẫn đầu.