Khi Chính phủ Mỹ đóng cửa... thành thông lệ
Kinhtedothi - Tại Mỹ, việc Chính phủ liên bang phải đóng cửa đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, đến mức các nhà dự báo đã có thể nhận thức rõ những ảnh hưởng với nền kinh tế số một thế giới nếu kịch bản đó lại diễn ra một lần nữa vào ngày 1/10 tới.
Đóng cửa càng lâu, thiệt hại càng lớn
Phố Wall và các nhà kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã kết luận rằng việc đóng cửa Chính phủ trong thời gian ngắn sẽ khó có thể làm nền kinh tế Mỹ chậm lại, hoặc đẩy nó vào suy thoái. Đánh giá này một phần dựa trên bằng chứng từ các đợt trước đó khi Quốc hội đã ngừng tài trợ cho nhiều hoạt động của Chính phủ.
New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, chính quyền Biden đã chuẩn bị các ước tính chi tiết về thiệt hại đối với tăng trưởng trong năm nay do việc đóng cửa Chính phủ gây ra và nhận thấy không có mối đe dọa suy thoái nào có thể đến ngay lập tức. Các quan chức Washington được cho đã từ chối công bố những ước tính đó trong tuần này.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs thì ước tính rằng việc đóng cửa sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng khoảng 0,2 điểm phần trăm mỗi tuần. Lý do chính cho điều này là hầu hết các công chức liên bang không được trả lương trong thời gian đóng cửa, và điều này ngay lập tức làm mất đi sức chi tiêu của nền kinh tế.
Nhưng các nhà nghiên cứu của Goldman dự báo mức tăng trưởng sẽ phục hồi tương đương quý trước khi đóng cửa một khi bế tắc chấm dứt và những người lao động được truy lĩnh tiền lương. Nhận định này phù hợp với nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Phố Wall và các chính quyền Tổng thống trước đây.
Các nhà kinh tế của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng tính toán rằng, việc đóng cửa kéo dài 5 tuần vào năm 2019 đã làm giảm mức tăng trưởng 0,13 điểm phần trăm mỗi tuần. Sau khi việc đóng cửa kết thúc, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính rằng tổng sản phẩm quốc nội thực tế đã giảm 0,1% trong quý 4/2018 và 0,2% trong quý 1/2019.
Mặc dù cho biết phần lớn mức tăng trưởng bị mất sẽ được phục hồi, nhưng Văn phòng ước tính GDP hằng năm vào năm 2019 vẫn thấp hơn 0,02% so với mức có thể nếu không đóng cửa Chính phủ, gây ra khoản lỗ khoảng 3 tỷ USD - chỉ bằng 0,01% GDP. Nhìn chung, các đợt đóng cửa Chính phủ trước đây đã để lại rất ít vết sẹo lâu dài cho nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, việc đóng cửa kéo dài được tin sẽ là một câu chuyện khác. Kịch bản này vẫn có thể ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng và chắc chắn đe dọa cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Biden vào năm tới.
Cùng với một loạt các yếu tố khác, hoạt động của Chính phủ bị gián đoạn dự kiến sẽ đè nặng lên nền kinh tế Mỹ trong những tháng cuối năm nay, bao gồm lãi suất cao hơn, việc nối lại các khoản thanh toán khoản vay sinh viên liên bang vào tháng tới, hay làm phức tạp các cuộc đình công đang diễn ra.
Việc Chính phủ phải ngừng hoạt động một phần được cho sẽ làm tâm trạng của người tiêu dùng trở nên tồi tệ hơn, trong bối cảnh niềm tin của họ đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9, giữa bối cảnh giá xăng tăng cao tại Mỹ.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs gần đây lưu ý rằng, thước đo niềm tin của người tiêu dùng của Conference Board đã giảm trung bình 7 điểm trong tháng bắt đầu việc đóng cửa, mặc dù phần lớn mức giảm sau đó sẽ hồi lại trong tháng sau khi Chính phủ mở cửa trở lại.
Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, cho biết việc Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ không phải là “người thay đổi cuộc chơi về mặt động lực của nền kinh tế”. Tuy nhiên, ông nói rằng “điều đáng lo ngại là nếu điều này kết hợp với những ‘“cơn gió ngược” khác, nó có thể trở thành lực cản đáng kể đối với hoạt động kinh tế”.
Việc đóng cửa kéo dài cũng sẽ trì hoãn việc công bố dữ liệu quan trọng của Chính phủ về nền kinh tế, chẳng hạn như báo cáo hằng tháng về việc làm và lạm phát, do các cơ quan thống kê liên bang phải ngừng hoạt động. Điều này hiện sẽ là một rủi ro lớn hơn đối với tăng trưởng so với trước đây, khi mà nó “bịt mắt” các nhà hoạch định chính sách của Fed trong việc xác định điểm giữ lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn rất nóng.
Rủi ro khi trở thành thông lệ
Nền kinh tế Mỹ có vẻ vẫn đủ khỏe mạnh để chịu được một cú sốc nhỏ tạm thời do Chính phủ đóng cửa. Ước tính đồng thuận của các nhà kinh tế hàng đầu là tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 3% hằng năm trong quý này. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm, làm tăng nguy cơ suy thoái nếu việc đóng cửa kéo dài vài tuần.
Nhà kinh tế trưởng của KPMG, Diane Swonk, cho biết bà kỳ vọng GDP của Mỹ sẽ tăng khoảng 4% trong quý 3 và sau đó giảm xuống còn khoảng 1% trong quý 4. Nhưng bà lưu ý việc đóng cửa trong 2 tuần sẽ có tác động hạn chế, nhưng kéo dài cả quý sẽ gặp nhiều vấn đề hơn, thậm chí có khả năng dẫn đến GDP rơi vào vùng âm.
Bà Swonk nói thêm, việc đóng cửa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chính trị ở Washington, điều này có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng và đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao, khiến chi phí vay cao hơn.
Các quan chức chính quyền Biden đã hy vọng tránh được tình trạng rối loạn như vậy khi họ đạt được thỏa thuận với đảng Cộng hòa hồi tháng 6 năm nay để nâng giới hạn vay của quốc gia.
Trong 3 thập kỷ qua, đã có 7 lần Chính phủ Mỹ phải đóng cửa:
1990 - dưới thời Tổng thống George HW Bush; kéo dài 4 ngày.
1995 - dưới thời Tổng thống Bill Clinton; kéo dài 5 ngày.
1996 - dưới thời Tổng thống Bill Clinton; kéo dài 21 ngày.
2013 - dưới thời Tổng thống Barack Obama; kéo dài 17 ngày.
2018 (2 lần) - dưới thời Tổng thống Donald Trump; kéo dài 3 ngày
và trong vài giờ.
2019 - dưới thời Tổng thống Donald Trump; kéo dài 35 ngày.
Thỏa thuận đó bao gồm các giới hạn về chi tiêu liên bang, vốn là một kế hoạch chi tiết cho việc phân bổ ngân sách của Quốc hội. Một nhóm đảng viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã thúc đẩy việc cắt giảm sâu hơn nữa, đẩy Quốc hội tới thế bế tắc như hiện nay.
Về cơ bản, việc đóng cửa Chính phủ Mỹ là câu chuyện của chiến thuật đàm phán chính trị và lập pháp. Cũng giống như luận tội Tổng thống, việc đóng cửa Chính phủ có thể trở thành một trong những rắc rối thường xuyên xảy ra trong đời sống chính trị Mỹ.
Mặc dù các lần đóng cửa chính phủ trước đây hầu như không gây ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Mỹ, nhưng hậu quả chính trị đã tác động tiêu cực đến những người được cho là nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa. Chẳng hạn, một số người tin rằng cựu Tổng thống Trump đã “mất nhiều hơn được” trong lần Chính phủ Mỹ đóng cửa năm 2019, và điều đó đã có một số tác động đến cuộc bầu cử năm 2020 mà ông phải hứng chịu thất bại.
Tóm lại, rủi ro thực sự sẽ nảy sinh nếu những chiến thuật đàm phán cứng rắn này trở thành thông lệ. Đó là khi các nhà đàm phán sẽ bắt đầu thách thức giới hạn đóng cửa, và chắc chắn sẽ đến một ngày mà sự gián đoạn sẽ kéo dài hơn 35 ngày - kỷ lục đóng cửa lâu nhất của Chính phủ Mỹ, diễn ra hồi năm 2019.
Podcast quốc tế cuối tuần: Báo động nước Mỹ vỡ nợ
Kinhtedothi - Trong các mô phỏng kinh tế mới nhất, Moody’s Analytics ước tính rằng chỉ cần vi phạm giới hạn nợ trong thời gian ngắn, cũng sẽ thổi bay gần 1 triệu việc làm và khiến nền kinh tế Mỹ chìm vào suy thoái nhẹ;
Lo nước Mỹ vỡ nợ, ông Biden bỏ 2 điểm công du quan trọng
Kinhtedothi - Ông Joe Biden đã hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch tới Australia và Papua New Guinea để tập trung vào các cuộc đàm phán về giới hạn nợ khi Washington đứng bên bờ một vụ vỡ nợ thảm khốc tiềm năng xảy ra.
Mỹ vỡ nợ: Chỉ còn 10 ngày, ông Biden nghĩ về "quân bài tẩy"
Kinhtedothi - Khi hạn vỡ nợ 1/6 đang đến gần hơn, Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện phải đối mặt với áp lực từ một số đảng viên Dân chủ về việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 để đơn phương tăng trần nợ công.