Khơi dậy tiềm năng sáng tạo từ các làng nghề truyền thống:
Bài 1: Dòng chảy văn hóa Việt qua các làng nghề
Kinhteothi - Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề cao vai trò tập trung phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên, để khơi dậy được tối đa tiềm năng của làng nghề truyền thống thì cần phải phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và con người sáng tạo ra nó.
Làng nghề thủ công Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng có lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Ðến đầu thế kỷ XI sản phẩm thủ công của nước ta bắt đầu xuất khẩu và phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XII cho nên đã hình thành một số lượng lớn các làng nghề thủ công. Sản phẩm thủ công có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nhà cửa, chùa chiền, miếu mạo phục vụ sinh hoạt và thờ cúng của Nhân dân.
Hàm chứa nhiều tinh hoa văn hóa
Khi khai quật di chỉ khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long cách đây nghìn năm ai cũng thấy rõ vai trò của làng nghề trong việc xây dựng kinh thành. Từ những viên gạch, viên ngói, đầu rồng đến những vật dụng sinh hoạt gốm sứ bị chôn vùi dưới đất qua bao thời đại vẫn còn giữ nguyên nét tinh xảo, tài hoa của bàn tay khối óc người thợ thủ công. Ðặc biệt, những sản phẩm từ từng lớp di chỉ thể hiện rất rõ nét đặc trưng nghệ thuật của các triều đại khác nhau theo thứ tự thời gian: Thời Lý - Trần, thời Lê - Nguyễn... phản ánh dòng chảy văn hóa Việt Nam một cách sinh động, cụ thể.
Có thể nói sản phẩm làng nghề hàm chứa tinh hoa văn hóa và trở thành di sản văn hóa dân tộc. Ông cha ta đã để lại một kho tàng nghề truyền thống quý giá vẫn đang tồn tại và phát triển trong cuộc sống hiện đại hôm nay vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước vừa xuất khẩu như: Mây tre đan, gốm sứ, đồ gỗ, dệt, thêu ren, sơn mài, chạm khắc đá, kim khí, thực phẩm chế biến... Hiện nay cả nước có 2.790 làng nghề với 53 nhóm nghề. Việt Nam có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau trong đó có rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm.
Theo thống kê của Chi cục Phát triển Nông thôn TP Hà Nội: Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận. Ứớc tính trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hà Nội có trên 5.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; sản phẩm gốm sứ; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…).
Sáng tạo từ làng nghề truyền thống
Những đóng góp của làng nghề vào phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội, nhất là khu vực nông thôn là rất lớn. Các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng...
Các làng nghề thường là những làng văn hóa cổ với kiến trúc độc đáo, một số làng nghề là làng khoa bảng như làng dao kéo Ða Sĩ có rất nhiều người đỗ đạt trong đó có danh y Hoàng Ðôn Hòa nổi tiếng. Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, một trong những làng nghề có lịch sử lâu đời nhất về nghề dệt) hiện nay đã hình thành một khu trải nghiệm đầy đủ các công đoạn cho ra đời một sản phẩm thủ công hoàn thiện. Làng Bát Tràng có 25 tiến sĩ trong đó có một trạng nguyên, hiện nay làng vẫn giữ được Văn chỉ ghi danh những người đỗ đạt, đình làng thường xuyên trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Làng gốm sứ Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm gốm, sứ độc đáo mà còn bảo tồn được có cả một quần thể kiến trúc có giá trị như Đình Bát Tràng - nơi còn lưu giữ được 44 đạo sắc phong của các đời Lê, Tây Sơn và Nguyễn, Văn chỉ Bát Tràng, chùa Kim Trúc… Khách du lịch đến với làng nghề Hà Nội không chỉ bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, mang đậm tính dân tộc mà còn bởi cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất.
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 12 lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa… trong đó thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng của văn hóa và là nền tảng cho sự đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa. Về phía TP Hà Nội, Đề án phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, nhất là khu vực nông thôn.
Để phát triển bền vững, Hà Nội đã có nhiều chính sách thúc đẩy làng nghề phát triển, trước mắt đáng quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, lưới điện, nước sạch, cải thiện cảnh quan môi trường, tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi… UBND TP cũng hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, để các làng nghề của Thủ đô phát triển đúng hướng, bền vững, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực của làng nghề, thiết kế sáng tạo mẫu mã để tạo ra các sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao. Người thợ thủ công làng nghề còn phải có kỹ năng tham gia trực tiếp vào việc xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm của mình một cách thân thiện, chuyên nghiệp. Bên cạnh những thành quả đạt được, phải thẳng thắn thừa nhận công tác phát triển, bảo tồn nghề và làng nghề trên địa bàn TP vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
"Hầu hết, các DN ở các làng nghề trên địa bàn đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn. Ngoài ra, qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, điều này đã và đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề nói chung, đến việc phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch nói riêng." - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP Hà Nội - Nguyễn Văn Chí
(Còn nữa)
Thiếu tour đặc trưng, làng nghề Bát Tràng khó hút khách
Kinhtedothi - Để thu hút khách du lịch đòi hỏi làng nghề Bát Tràng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị “Nâng cấp chất lượng tuyến du lịch trung tâm Hà Nội – Làng nghề Bát Tràng” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chức ngày 9/3.
Hà Nội chú trọng bảo tồn làng nghề, phát triển kinh tế nông thôn
Kinhtedothi - Bảo tồn làng nghề và phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nội dung được UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhằm cụ thể hoá các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2022 - 2025.
Giám sát, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề
Kinhtedothi - Theo Sở TN&MT Hà Nội, mục tiêu đến hết năm 2023, TP sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn TP và bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo quy định.