Vụ cháy chợ trung tâm huyện Sóc Sơn xảy ra vào ngày 21/6/2018. Sự cố hơn 3 năm về trước đã khiến hàng ngàn mét vuông khu chợ chính bị thiêu rụi. Hơn 200 hộ tiểu thương bỗng chốc mất nơi kinh doanh, buôn bán. Thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục tỷ đồng.
|
Khu vực chợ tạm tại huyện Sóc Sơn hiện đang bị bỏ không. Ảnh: Trọng Tùng. |
Sau khi chợ chính bị cháy, UBND huyện đã huy động nguồn lực, đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng khu chợ tạm trên diện tích khoảng 5.800m2. Gần 3 năm qua, khu chợ tạm nằm kế bên diện tích chợ trung tâm huyện Sóc Sơn bị cháy vận hành ổn định; đáp ứng đầy đủ nhucầu buôn bán, kinh doanh cho các hộ tiểu thương và Nhân dân địa phương.
Cùng với vận hành tốt khu chợ tạm, UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án cải tạo, xây dựng chợ trung tâm huyện trên diện tích khu chợ bị cháy cách đây 3 năm. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 23,37 tỷ đồng; đến nay đã hoàn thành, được bàn giao và đưa vào sử sụng ổn định.
Thực tế, trong khi chờ xây dựng chợ mới, khu chợ tạm được UBND huyện Sóc Sơn đầu tư hơn 3 tỷ đồng đã phát huy tốt giá trị trong việc ổn định kinh doanh, buôn bán cho hàng trăm hộ tiểu thương và người dân địa phương. Tuy nhiên sau khi chợ mới được hoàn thành, toàn bộ tiểu thương đã rời khỏi chợ tạm.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn, cho biết thời gian qua khu chợ tạm vẫn có một bộ phận tiểu thương kinh doanh, buôn bán, chứ không bị bỏ không hoàn toàn. Lều lán trong chợ tạm được trưng dụng làm nơi cách ly các trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch, chợ tạm sẽ là phương án dự phòng buôn bán, kinh doanh cho bà con tiểu thương trong trường hợp chợ chính phát sinh trường hợp có liên quan đến Covid-19.
Cũng theo ông Thành, hiện nay, đơn vị đang chuẩn bị công tác đầu tư một số hạng mục của khu chợ chính, cụ thể gồm: Nhà để xe, khu vệ sinh, hệ thống tiêu thoát nước và tường bao. Dự kiến, sẽ có khoảng 200 hộ tiểu thương phải di dời từ khu vực xung quanh chợ chính và diện tích thực hiện bốn nhóm hạng mục trên sang khu vực chợ tạm để buôn bán, kinh doanh.
"Tinh thần chỉ đạo chung của huyện là tiết kiệm tối đa nguồn nguyên vật liệu cho việc thi công các hạng mục phụ trợ. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tận dụng tối đa các trang thiết bị có thể sử dụng được từ khu chợ tạm để xây dựng nhà xe và các công trình khác, bảo đảm không để lãng phí vật tư hiện có..." - ông Thành cho hay.