Friday, 08:35 17/04/2020
Kích cầu du lịch cho “hậu Covid-19”
Kinhtedothi - Nhiều kịch bản ứng phó dịch của Hiệp hội Du lịch, các DN du lịch trong thời gian qua lần lượt bị xóa sổ. Tình hình dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp đòi hỏi lãnh đạo ngành du lịch, các DN chuẩn bị những giải pháp dài hơi hơn nhằm khôi phục du lịch thời hậu Covid-19.
Du khách quốc tế tản bộ bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội trước khi thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: Phạm Hùng |
Thêm giải pháp
Tháng 3/2020, Bộ VHTT&DL có công văn đề xuất với Thủ tưởng các giải pháp cấp bách hỗ trợ DN du lịch phục hồi sau khi dịch Covid-19 đi qua. Trước tình thế khó khăn của nhiều DN, vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng tiếp tục ký văn bản đề xuất bổ sung một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN du lịch trước tác động của dịch bệnh.
Ngoài các giải pháp về khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, chậm nộp thuế thu nhập cho các DN lữ hành, du lịch, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các DN du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour, giúp các DN phát hành “phiếu mua tour” thời hạn 12 - 18 tháng, giá trị tương đương tour khách đã mua nhưng không thể đi do dịch bệnh. Đối với DN vừa và nhỏ, chủ nhà có phòng lưu trú du lịch cho thuê, người lao động mất việc trong cơ sở lưu trú, Bộ mạnh dạn đề xuất đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ giúp dân vượt dịch bệnh.
Trước đây mọi người nghĩ du lịch có thể sớm phục hồi, tuy nhiên bây giờ chúng tôi xác định không thể. Tôi xác định năm 2020 coi như không có gì, may ra 2021 du lịch mới có thể khôi phục phần nào, theo một số chuyên gia có lẽ 2022 du lịch mới có thể trở lại như thời điểm trước dịch bệnh. Giám đốc điều hành Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt |
Dù diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, lãnh đạo ngành du lịch cũng tính tới một loạt giải pháp khôi phục du lịch ở từng kịch bản khác nhau. Trước hết với kịch bản Việt Nam công bố hết dịch, Bộ VHTT&DL đề xuất tập trung vào kích cầu thị trường nội địa, phối hợp với các hãng hàng không, vận chuyển và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan. Khi Việt Nam và một số nước công bố hết dịch (dự kiến các nước trong khu vực châu Á hết dịch sớm hơn), Bộ sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch đẩy mạnh truyền thông tập trung vào “Việt Nam an toàn và hấp dẫn” với nội dung khẳng định Việt Nam thành công đẩy lùi Covid-19, tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, công bố gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi. Sau đại dịch, thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cần cơ cấu lại, tập trung quảng bá khách đến và đi tại các thị trường hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc và du lịch MICE.
Đối với kịch bản thế giới công bố hết dịch, ngành du lịch mở rộng các gói kích cầu du lịch đối với các thị trường cả nội địa lẫn quốc tế. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay đến thị trường quốc tế, miễn thị thực đối với nhiều thị trường, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Ưu tiên kích cầu nội địa khi hết dịch
Tổn thất nặng nề của du lịch được dự báo từ trước. Giới chuyên gia du lịch nhận định, doanh thu DN du lịch hiện bằng 0, cứ đà này chỉ 2 - 3 tháng tới có thể một nửa DN lữ hành bị phá sản. Hiện nay, nhiều DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, chuyển sang trạng thái ngủ đông chờ thời. Thông tin khoảng 18 tháng nữa mới có vaccine khiến nhiều lãnh đạo DN du lịch quan ngại, có lẽ phải mất chừng đó thời gian để du lịch có thể phục hồi. Khó khăn đè nặng lên các DN lữ hành khi họ vẫn phải duy trì trả chi phí như lương nhân viên, thuê mặt bằng hoặc có thể cả tiền lãi suất vay ngân hàng. Các DN du lịch như kinh doanh khách sạn, nhà hàng còn phải chịu chi phí cố định lớn hơn dù kinh doanh tê liệt.
Dù chưa ai dám chắc thời gian du lịch phục hồi như thời gian trước đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhiều DN chuẩn bị nhiều giải pháp để sẵn sàng đưa du lịch trở lại. Đại diện Saigontourist cho biết, DN này dồn lực đào tạo lại nguồn nhân lực trong thời gian dịch bệnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới, nhất là các gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa ngay khi công bố hết dịch. Tổng Giám đốc Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, trong giai đoạn khó khăn, nhân viên công ty nghiêm chỉnh làm việc tại nhà, họp trực tuyến, hỗ trợ tư vấn online cho khách. Ông cũng đồng tình, cho rằng kích cầu hàng du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu đối với các ngành du lịch khi cả nước công bố hết dịch.