Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kinh tế Qatar đối mặt với tác động tiêu cực từ căng thẳng chính trị

Căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh khiến thị trường chứng khoán tại nước này giảm mạnh do các nhà đầu tư trong khu vực đang tỏ ra lo lắng trước những diễn biến mới trong tình hình khu vực.

Ngày 5/6, Ả rập Saudi, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Yemen, Libya và Maldives đã thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này hỗ trợ các tổ chức khủng bố cực đoan.
Chính phủ Qatar đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng "đây là lời buộc tội không công bằng và thiếu căn cứ."
Ngay sau khi có thông tin các nước Ả rập cắt đứt quan hệ với Qatar, thị trường chứng khoán nước này đã tụt dốc hơn 7% trong ngày 5/6. Giá trị các cổ phiếu của thị trường chứng khoán Qatar mất hơn 8 tỷ USD, đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất kể từ cuối năm 2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 Một loạt nước Ả rập đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Ảnh: Getty
Một số ngân hàng Ai Cập đã ngừng các giao dịch với các ngân hàng của Qatar. Hiện vẫn chưa rõ các ngân hàng Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC)  có làm tương tự như vậy hay không. Các ngân hàng thương mại UAE nói rằng họ đang chờ hướng dẫn từ Ngân hàng trung ương trước khi có quyết định chính thức.
Trên thị trường dầu, giá dầu thô giảm sau khi Ả rập Saudi và các quốc gia Ả rập khác ngừng quan hệ ngoại giao với Qatar, dấy lên lo ngại về việc phá hỏng thỏa thuận toàn cầu nhằm kiềm chế nguồn cung dư thừa.
Olivier Jakob, một nhà chiến lược tại Petromatrix, nhận định rằng sẽ còn nhiều tranh luận về ảnh hưởng từ việc căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông với thị trường dầu mỏ thế giới.
Qatar có năng suất khoảng 600.000 thùng/ngày, là một quốc gia sản xuất dầu nhỏ của Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Các nhà đầu tư lo ngại rằng nếu căng thẳng chính trị ở Trung Đông leo thang, Qatar có thể từ bỏ hạn ngạch sản xuất được thỏa thuận trước đó trong cam kết với OPEC. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận kéo dài việc giảm sản lượng cho tới tháng 3/2018.
Tuy nhiên, ông Helima Croft, phụ trách chiến lược hàng hóa tại Công ty chứng khoán RBC, nói: " Theo quan điểm của tôi, sẽ không xảy ra rủi ro ngay lập tức đối với vấn đề an ninh năng lượng trong khu vực Trung Đông".
Ông Croft cho biết chưa chắc chắn Ai Cập sẽ đóng cửa kênh đào Suez phục vụ vận chuyển dầu thô khai thác của Qatar, đồng thời nhận định nước này vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC.
Về việc cấm vận các liên kết vận tải, hãng hàng không Qatar Airways cũng sẽ phải đối mặt với tổn thất từ một số cấm lệnh cấm bay của các nước láng giềng Trung Đông.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn đưa ra nhận định quả quan rằng với khoảng 335 tỷ USD tài sản trong quỹ đầu tư của mình, Qatar dường như có thể tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế sau quyết định của các nước láng giềng Ả rập cắt đứt liên kết hàng không, đường biển và đường bộ với Qatar.
Các cảng biển vừa mới được mở rộng của Qatar có thể giúp quốc gia Trung Đông nhỏ bé về mặt địa lý này tiếp tục xuất khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng, vốn mang lại thặng dư thương mại 2,7 tỷ USD trong tháng 4/2017, đồng thời giúp thúc đẩy hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua đường biển nhằm thay thế tuyến đường bộ với Ả rập Saudi bị phong tỏa do cấm vận.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ