|
Xe máy, xe đạp vô tư đi trên cao tốc |
Đường làng trên cao tốc
Đặc điểm của đường cao tốc là toàn tuyến sẽ rào chắn hai bên, chỉ có các loại xe ô tô con, xe khách, xe tải mới được lưu thông. Do vậy, người lái xe có thể chạy tốc độ nhanh (90 - 120km/h) mà không cần phải lo tránh người và phương tiện cơ giới đi tốc độ thấp.
Tuy vậy, những giá trị căn bản này lại không có trên cao tốc Liên Khương - Prenn. Hình thành sau và cắt ngang nhiều khu dân cư, nhưng vì sao mà chủ đầu tư công trình lại không xây dựng đường dân sinh đầy đủ. Cả tuyến chỉ có vài km đường gom ở hai đầu.
Chính vì thế, người dân sinh sống và làm vườn hai bên đường cao tốc không còn cách nào khác là phải mở đường trổ vào cao tốc và cắt dải phân cách để qua lại làm ăn. Đi từ đầu tới cuối cao tốc này, có thể nhìn thấy trên dưới 100 lối mở tự phát qua dải phân cách và lối mở đường đấu nối từ cao tốc vào nhà, lên vườn. Có rất nhiều căn nhà trở thành mặt tiền… đường cao tốc.
|
Một tình huống băng ngang đường thót tim. |
Chỉ cần quan sát trong 30 phút tại các nút giao, điểm cắt tự phát trên tuyến Liên Khương - Prenn, chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm lượt người và phương tiện đi xe gắn máy hai bánh, xe đạp, xe thô sơ đi vào cao tốc. Trong đó, rất nhiều người đi ngược chiều một đoạn dài trước khi tìm đến lối băng ngang.
“Hình ảnh trở nên hết sức bình thường đối với người bản địa, và các tài xế quen đường như chúng tôi cũng biết để đề phòng. Tuy nhiên, với những tài xế ít qua lại trên cao tốc Liên Khương - Prenn thì có thể gặp các tình huống nguy hiểm với đủ loại xe có thể “nhập làn” ở bất cứ khúc nào” - anh Trần Ngọc Giang, tài xế lái xe bán tải ở Đức Trọng chia sẻ.
|
Thỉnh thoảng cao tốc lại xuất hiện cả xe máy cày |
Trong khi chủ đầu tư không làm đường gom dân sinh, mặc dù đã thu phí qua hai đời chủ, tình trạng xây - phá dải phân cách đã xảy ra liên miên trên cung đường Liên Khương - Prenn.
Mỗi lần chủ đầu tư xây bít giải phân cách thì dân lại ra phá để tạo lối đi lại. Ngoài một số lối mở rộng lớn cho ô tô băng qua khá dễ quan sát, do các doanh nghiệp “có máu mặt” mở, có hàng chục vị trí trên dải phân cách bị người dân đục bỏ một lối nhỏ vừa đủ để đi xe gắn máy. Nếu gặp phải người băng ngang sơ ý, người lơ là thiếu quan sát, thì tài xế lái theo trục chính rất dễ gặp phải nguy hiểm, hoặc chí ít củng là một phen hoảng loạn khi bất thình lình có chướng ngại vật.
|
Giải phân cách bị phá để băng qua đường. |
Nhiều vụ tai nạn lật xe, chết người do va chạm giữa phương tiện của người dân địa phương với xe đường dài đã xảy ra, nhưng không vì thế mà tình trạng giao thông hỗn loạn trên tuyến cao tốc này được quan tâm kiểm soát, khắc phục.
Ông Nguyễn Anh (thôn Định An, xã Hiệp An), nói: “Tôi sinh sống ở đây từ năm 1973 đến giờ. Hồi chưa có đường cao tốc thì cuộc sống bình thường, cứ lên núi xuống rồi núi làm ăn. Từ hồi có cao tốc, thì quá khó khăn và nguy hiểm cho chúng tôi. Dân ở thì đông mà lại không có đường dân sinh, buộc mọi người phải đi vào cao tốc. Chúng tôi mong có cái đường đi để không làm ảnh hưởng đến cao tốc và cũng là bớt đi mối nguy hiểm cho bà con”.
|
Cao tốc Liên Khương - Prenn cắt ngang khu dân cư nhưng không làm đường dân sinh. |
Đi chợ, đến trường, về nhà… đều vi phạm giao thông
Tình trạng đường cao tốc chia cắt thôn xóm đã biến nhiều người dân các thuộc xã Hiệp An và Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) thành các đối tượng vi phạm luật giao thông đường bộ mỗi ngày.
Theo ông Phạm Hổ (Khu dân cư Núi Voi, tổ 4, thôn Định An), hồi cao tốc mới hình thành, Cảnh sát giao thông thường xuyên bắt phạt người dân khi họ đi xe máy, máy cày vào đường cao tốc. Nhưng vì mưu sinh, người dân không còn đường nào khác. Họ phản ánh việc này đến các cấp chính quyền và sau đó thì ngành chức năng cũng để mạnh ai nấy đi.
“Việc đường cao tốc cắt đôi thôn ra thành 2 phần và không mở đường dân sinh đã cô lập chúng tôi và biến chúng tôi thành những kẻ bất chấp pháp luật giao thông, bất chấp nguy hiểm tính mạng. Tôi không hiểu sao một con đường như thế mà vẫn được phê duyệt cho vận hành từ hơn 15 năm nay” - ông Phạm Hổ nói.
|
Một người dân lái xe máy ngược chiều trên cao tốc. |
Được biết, người dân sinh sống ở khu vực Khu dân cư Núi Voi và các thôn lân cận thuộc diện di dân làm kinh tế mới, đến khai hoang từ những năm cuối thập niên 70. Một phần diện tích vườn bị quy hoạch chồng lấn nên nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, số còn lại đã được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất ở. Từ khi đường cao tốc mở ra, quyền lợi của dân cư cánh trái cao tốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bị chia cắt và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông hay bị xử phạt vi phạm giao thông.
“Đây là con đường cao tốc kỳ lạ. Nơi mà ở đó, đủ loại phương tiện máy cày, xe thô sơ, xe máy, xe đạp có thể đi ngược, đi xuôi cùng trên một làn, rồi đột nhiên cắt ngang ở bất cứ vị trí nào của cao tốc mà không hề có biển cảnh báo. Con đường này đã biến dân chúng tôi thành người vi phạm mỗi khi đi về nhà, đi làm vườn, đi chợ hay chở con đến trường học. Chúng tôi tha thiết mong mỏi chính quyền tỉnh Lâm Đồng có biện pháp bắt buộc chủ đầu tư phải sớm làm đường dân sinh để đảm bảo an toàn cho tất cả các bên” - ông Lưu Đức Liệu (Tổ 4, thôn Định An) nêu bức xúc.
|
Vận hành và thu phí từ năm 2005 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa làm xong đường dân sinh theo quy định. |
Cuối năm 2021 sẽ hoàn thiện đường gom dân sinh?
Ngày 11/9/2021, trả lời báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng thừa nhận có các vấn đề phóng viên phản ánh về tình trạng giao thông nguy hiểm trên Cao tốc Liên Khương - Prenn do thiếu đường dân sinh. Địa phương đang triển khai xây dựng đường gom dân sinh. Đồng thời kiến nghị các cơ quan hữu quan cũng như đơn vị vận hành có biện pháp rào chắn những chỗ người dân tháo dỡ để đi qua tuyến đường này.
Cũng theo ông Lê Nguyên Hoàng, phía trái Cao tốc theo hướng Sài Gòn - Đà Lạt có khu vực đất sản xuất của người dân. Chủ đầu tư đã làm một số cống chui để người dân đi xuyên qua. Nhưng người dân không thực hiện việc đi qua mà tự ý mở các tuyến trên cao tốc để đi ngang qua.
“Đơn vị chức năng của chúng tôi cũng đã tiến hành thường xuyên tuần tra kiểm soát, tiến hành sớm xây dựng tuyến đường gom và lắp đặt một số camera trên cao tốc để cảnh báo cũng như xem xét xử lý các trường hợp vi phạm” - ông Hoàng nói.
Về câu hỏi liệu chủ đầu tư có thực hiện đúng thiết kế đường cao tốc hay không, ông Lê Nguyên Hoàng cho rằng họ làm đúng, nhưng thi công chậm trễ do… điều kiện thời tiết bất lợi!
Còn ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết: Có tình trạng đường gom chưa làm kịp nên dân phá hàng rào, đập dải phân cách để băng qua đường. Tỉnh Lâm Đồng với huyện Đức Trọng đã chỉ đạo và làm nhiều lần. Huyện Đức Trọng thì có kế hoạch chi tiết để mà ngăn chặn việc này. Về phía tỉnh Lâm Đồng đang đầu tư đường gom hai bên để sau này dân từ bên này đi qua bên kia đi qua hầm chui ngầm dưới đường. Công trình này đang thi công. Cống chui đến cuối tháng 9/2021 sẽ xong, còn đường gom hai bên thì hết năm nay xong.
"Thời gian đầu dân cư chưa phát triển nên từ đầu dự án không có hạng mục đường gom dân sinh. Khi đi vào khai thác vài năm mới phát sinh bất cập này, lúc đó mới đặt vấn đề thiết kế đường gom. Tuy nhiên, khi trình ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì vốn khó khăn, hạn hẹp quá nên cho tới bây giờ tỉnh mới bố trí ngân sách để làm. Hiện dự án đường gom dân sinh đang thi công giai đoạn 1 là 60 tỷ đồng; giai đoạn 2 dự kiến trên 100 tỷ đồng để hoàn thiện" - ông Tuấn thông tin thêm.
Thực tế, qua tiếp xúc với nhiều người dân địa phương thì được biết rất nhiều dân cư đã sinh sống và làm vườn trên cánh trái Cao tốc Liên Khương - Prenn từ những năm 1976, theo chủ trương di dân làm kinh tế mới. Việc đường cao tốc cắt ngang khu vực này mà không mở đường dân sinh đầy đủ là một thiếu sót dẫn đến nhiều hệ lụy về an toàn giao thông.
Cao tốc Liên Khương - Prenn hình thành vào năm 2005, có tổng chiều dài 19,2km, đi qua thị trấn Liên Nghĩa và các xã Liên Hiệp, Hiệp Thạnh và Hiệp An. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hùng Phát. Mặc dù đã vận hành và thu phí từ hơn 15 năm, nhưng đến nay UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn đang chỉ đạo đầu tư xây dựng hoàn thiện đường và cống dân sinh. |