Lặng buồn văn hóa học đường
Kinhtedothi - Trường học mở cửa đón học sinh trở lại tại nhiều địa phương là thông tin được xã hội mong đợi nhất thời điểm hiện nay. Thế nhưng, niềm vui ấy vừa hé mở thì những câu chuyện buồn xảy ra tại môi trường học đường thêm một lần nữa khiến dư luận lặng buồn và trăn trở.
Ngày 17/4, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một thầy giáo liên tục dùng tay tát vào đầu hai học sinh. Sự việc xảy ra vào giờ học môn Tin học lớp 7 ngày 13/4 tại trường THCS Phước Đông huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Cho rằng hai nam sinh cố tình làm hỏng bàn phím máy tính, thầy giáo đã đi từ phía trên phòng học xuống bàn hai nam sinh đang ngồi và lớn tiếng quát, sau đó dùng tay liên tục tát vào đầu các em.
Ngày 18/4, Ban giám hiệu THCS Phước Đông tổ chức họp, đưa ra hình thức kỷ luật khiển trách với thầy giáo đánh học sinh; còn giáo viên này đã gửi lời xin lỗi đến các em học sinh, phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường vì hành vi thiếu kiềm chế của mình.
Trước đó, ngày 13/4, đoạn clip ghi lại hình ảnh nhóm nữ sinh lớp 7 và lớp 8, trường THCS Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, lao vào đấm, đá, giật tóc một nữ sinh trong tiếng reo hò, cổ vũ của một nhóm người đứng xung quanh được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc.
Lãnh đạo THCS Hòa Đông cho biết, xuất phát từ việc bình luận “dạo” trên Facebook nên sau giờ học, các học sinh này đã đánh nhau ở trường và tiếp tục hẹn nhau đến địa bàn thôn Hòa Thắng (xã Hòa Đông) để giải quyết mâu thuẫn. Lãnh đạo trường THCS Hòa Đông bước đầu xác định có 5 nữ sinh tham gia đánh nhau và các em không bị thương tích gì. Vụ việc đã được báo cáo lên Phòng GD&ĐT huyện, đồng thời nhà trường yêu cầu các nữ sinh đánh nhau làm bản tường trình, liên hệ mời phụ huynh để phối hợp, xử lý theo quy định của nhà trường.
Hành vi học sinh đánh nhau hay thầy giáo đánh học trò luôn xoáy vào lòng mỗi người nỗi đau xót và nhức nhối. Những hành vi ấy không chỉ ảnh hưởng chất lượng dạy và học mà còn để lại hệ quả tiêu cực đến môi trường học đường, giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành Giáo dục.
Ngành GD&ĐT đã có nhiều cách thức, hoạt động thiết thực để hạn chế tình trạng trên. Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã và đang tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện hiệu quả các quy định của Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; chú trọng giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau.
Bộ cũng đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các mô hình “Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”, “Xây dựng trường học an toàn, thân thiện”; cung cấp cho học sinh các kỹ năng ứng xử văn hóa, tạo môi trường học tập lành mạnh, trang bị các kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng cho học sinh.
Ngoài ra, việc nâng cao năng lực phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ quản lý và thầy cô giáo về đạo đức, lối sống và hành vi ứng xử cũng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Việc đảm bảo môi trường giáo dục thực sự an toàn, thân thiện khi học sinh trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến là trách nhiệm không chỉ riêng ngành Giáo dục mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các gia đình, nhà trường cùng ý thức của mỗi học sinh.
Điều trị F0, quản F1 ở môi trường học đường các nước ra sao?
Kinhtedothi - Xét nghiệm liên tiếp và đảm bảo môi trường học thông thoáng cùng quy định về khẩu trang … là lựa chọn của một số quốc gia khi mở cửa trường học giữa đại dịch.
Nguy hại chứng trầm cảm tuổi học đường
Kinhtedothi - Trầm cảm tuổi học đường hiện đang là căn bệnh đáng báo động bởi nó đang làm cho tỷ lệ học sinh tự tử ngày càng gia tăng.
TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục tiêm phòng cho học sinh lớp 6, dưới 12 tuổi
Kinhtedothi - Ngày 18/4, nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) sẽ hoàn thành tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 cho trẻ lớp 6 và tiếp tục tiêm cho học sinh lớp 4,5 trong những ngày tiếp theo.