Làng cá chép xứ Thanh nhộn nhịp trước ngày ông Công, ông Táo
Kinhtedothi - Những ngày này, người dân thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đang tất bật với vụ thu hoạch cá chép đỏ để kịp cho ngày ông Công, ông Táo.
Lễ cúng ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) là dịp quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Cứ đến dịp này, làng nghề nuôi cá chép ở thị trấn Tân Phong lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi người dân tất bật thu hoạch cá để phục vụ nhu cầu thị trường.

Nghề nuôi cá chép tại Tân Phong đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Các thôn Tân Cổ và Tân Hậu, thuộc làng Cổ Hậu, nổi tiếng với việc nuôi cá giống, đặc biệt là cá chép đỏ cỡ nhỏ để phục vụ nhu cầu thả cá trong dịp cúng ông Công, ông Táo. Mặc dù là nghề truyền thống, nhưng hiện nay việc nuôi cá chép mang lại giá trị kinh tế lớn hơn trước.

Ông Hoàng (ở thị trấn Tân Phong) cho biết, gia đình ông duy trì việc nuôi cá quanh năm, nhưng đến những tháng cuối năm, ông chuyển hướng tập trung vào ao cá chép đỏ để phục vụ nhu cầu thị trường. Chia sẻ về bí quyết nuôi cá chép đỏ có màu sắc rực rỡ và kích thước lý tưởng (khoảng từ 2 đến 3 ngón tay), ông nhấn mạnh việc điều chỉnh chế độ ăn nhằm "hãm" sự phát triển, tránh để cá lớn quá kích cỡ tiêu chuẩn.

Theo ông Hoàng, năm nay giá cá chép đỏ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với năm trước. Hiện giá bán cho thương lái dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao hơn cho người nuôi so với những năm trước đây.

Theo báo cáo của UBND thị trấn Tân Phong, hiện địa phương có khoảng 150 hộ nuôi cá chép đỏ, hàng năm cung ứng cho thị trường cả trăm tấn. Làng cá chép đỏ Tân Phong không chỉ giữ gìn nét văn hóa truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, đem lại sự phồn thịnh cho nhiều thế hệ nông dân.



Cúng ông Công, ông Táo ngày nào, giờ nào đẹp nhất?
Kinhtedothi - Ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, nhiều gia đình Việt Nam bận rộn chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo bày tỏ lòng thành kính và mong cầu một năm mới bình an, thuận lợi.

Văn khấn ông Công, ông Táo chuẩn nhất theo truyền thống Việt Nam
Kinhtedothi - Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công, ông Táo (hay còn gọi là Táo Quân) cưỡi cá chép về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về những vấn đề xảy ra trên trần gian.
Nhộn nhịp chợ cá lớn nhất Thủ đô trước ngày ông Công ông Táo
Kinhtedothi - Gần ngày 23 tháng Chạp, khu chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) lại tấp nập xuyên đêm vì người dân, thương lái đổ về đây mua cá chép đỏ, loại cá được quan niệm dân gian coi là phương tiện giúp ông Công, ông Táo về trời.