Monday, 10:32 17/10/2016
Lập chốt sơ cứu - việc làm nhiều ý nghĩa
Mỗi ngày trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông (TNGT). Trong số đó, có rất nhiều nạn nhân được cứu sống nhờ được những người dân có tấm lòng đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Tuy nhiên, cũng có một số ít phải đối mặt với tử thần vì không được giúp đỡ.
Chốt sơ cấp cứu do ông Nguyễn Quang Tuyên phụ trách hoạt động từ năm 2011, đến nay đã giúp đỡ hàng trăm trường hợp người bị tai nạn. |
Gần 35 năm qua luôn âm thầm trợ giúp hàng trăm trường hợp người dân không may bị TNGT là tấm gương của ông Nguyễn Quang Tuyên, ở xã Mai Lâm (huyện Đông Anh). Theo các chuyên gia, việc cứu giúp các nạn nhân bị TNGT là trách nhiệm của mỗi người dân. Nó không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, mà còn góp phần cứu sống, giảm thiểu hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.
Không vô cảm với người bị nạn
Cho đến hôm nay, bà Ngô Thị Thu (42 tuổi), ở xã Mai Lâm vẫn chưa quên được vụ tai nạn xảy đến với mình cách đây khoảng 1,5 tháng. Ngày 1/9, bà Thu chở mẹ đi thăm người ốm. Khi đi qua địa phận thôn Du Nội (xã Mai Lâm), xe máy của bà bị một chiếc ô tô đi cùng chiều va chạm khiến mẹ bà văng ra lề đường. Bà Thu bị nặng hơn, xây xát mặt mày, có dấu hiệu bị trật khớp xương. Sự việc diễn ra gần trưa, tuyến đường ít người qua lại. Nghe người dân báo tin, ông Tuyên vội mang đồ nghề y tế ra sơ cứu cho bà Thu. Băng bó vết thương hở xong, ông dùng nẹp cố định vị trí xương giúp bà Thu có thể cử động và bớt đau đớn. “Lúc đó, tôi choáng váng, chỉ cảm nhận được có người giúp băng bó vết thương” - bà Thu nhớ lại. Trong khi sơ cứu, ông Tuyên nhắc mọi người xung quanh tìm trong danh bạ điện thoại của bà Thu và gọi báo tin cho người thân của bà…
Vụ việc không may của bà Thu là trường hợp gần đây nhất ông Tuyên hỗ trợ người bị tai nạn. Ông Tuyên cho hay, kể từ khi tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa nối với cầu Đông Trù được hoàn thành, đưa vào sử dụng, lượng người và phương tiện qua lại QL3 giảm đáng kể. Số vụ tai nạn bởi vậy cũng được hạn chế phần nào. “Trước đây, đường hẹp, lại không có đèn chiếu sáng nên mỗi tháng có không dưới 3 - 5 vụ tai nạn dọc tuyến QL3 đoạn qua địa phận xã Mai Lâm. Nay cả tháng cũng chỉ không may xảy ra một vụ” - ông cho hay. Bắt đầu từ những năm 1982, với nghiệp vụ ngành y sẵn có, ông đã bắt đầu trợ giúp những người bị tai nạn. Tới năm 2011, Hội Chữ thập đỏ huyện Đông Anh đã cho thành lập chốt sơ cứu. Thống kê từ đó đến nay, chốt sơ cứu đã giúp đỡ khoảng 97 trường hợp người bị nạn. Dù vậy, hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ huyện rất hạn chế. Ngoài tiền điện thoại, hầu hết dụng cụ y tế phục vụ hoạt động của chốt sơ cứu đều do gia đình ông Tuyên tự bỏ tiền túi ra trang bị. Nhưng điều đó chẳng khiến ông băn khoăn, bởi với ông: Cứu một người hơn xây 7 tòa tháp. Với không ít người, ông Tuyên giống như một “cứu tinh”, đưa họ qua cơn hoạn nạn.
Sống tốt để tri ân
Ít người biết, ông Tuyên từng tham gia chiến trường Quảng Nam năm 1966 khi mới gần 20 tuổi, bị thương nặng, phải chuyển về điều trị tại Viện Quân y 108. Do bị đạn xuyên trong bụng, ông bị cắt 3m ruột non và khoảng 1m đại tràng. Hiện, trong người ông còn mang 3 mảnh đạn, nhưng do vị trí nằm gần xương hành tủy, phẫu thuật có thể ảnh hưởng gây liệt nên các bác sĩ khuyên không nên. Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời, toàn thân ông lại bị đau nhức. Sau một vài năm được cử theo học ngành y, về công tác tại Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) và Trung đoàn 220 (Quân chủng Phòng không Không quân), ông chuyển về Sở Y tế Hà Nội làm việc, rồi có thời gian phục vụ tại Bệnh viện Tâm thần. Tới năm 1993, ông Tuyên nghỉ hưu và hiện là thương binh hạng 3/4.
Dù sức khỏe đã có phần hạn chế, nhưng ngoài trợ giúp người bị tai nạn, hơn 20 năm qua, ông Tuyên vẫn xung phong làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Mai Lâm - nơi an nghỉ của 196 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Người thương binh già vẫn ngày ngày dọn dẹp nghĩa trang như một thói quen. Mỗi dịp lễ tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, ông không quên thắp lên mỗi phần mộ một nén nhang, thay cho lời tri ân tiền nhân. Hôm chúng tôi tìm về, ông Tuyên cũng dẫn ra thăm nghĩa trang. Nhìn những tấm bia mộ khắc ghi tên các đồng chí đã hy sinh, trong đó có những người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, ông Tuyên nghẹn ngào: Mình may mắn được sống sót trở về, phải cố gắng sống thật tốt…
Để có thể giảm thiểu được những vụ TNGT thì sự giúp đỡ nạn nhân của những người như ông Tuyên có vai trò quan trọng. Mỗi người tham gia giao thông hãy đặt mình vào vị trí người bị nạn để có những ứng xử phù hợp. Thay vì có thái độ thờ ơ với người bị nạn, người dân, trong những tình huống khẩn cấp có thể gọi báo cho cơ quan chức năng, tìm kiếm những người có chuyên môn y tế để giúp đỡ các nạn nhân vượt qua lưỡi hái tử thần. Nghĩa cử cao đẹp này chính là hình thức tuyên truyền thiết thực nhất thay vì những chương trình giáo dục chung chung.