Tuesday, 18:48 22/01/2019
Liên kết "mỏng manh" Pháp - Đức dự báo cục diện EU năm 2019
Kinhtedothi - Cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle từng khẳng định: “Đừng bao giờ quên rằng đối với Pháp, tình bạn với Đức là không thể thay thế”.
Một nửa thế kỷ sau khi cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle (nhiệm kỳ 1959-1969) nói những lời này với các bộ trưởng của mình, mối quan hệ Paris - Berlin vẫn là một biểu tượng của hòa bình và nền tảng cho sự hội nhập châu Âu, nhưng cũng đầy những bất trắc.
Để làm mới và củng cố mối quan hệ thiết yếu này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp nhau vào ngày 22/1 tại thị trấn biên giới Aachen của hai nước để cùng ký một hiệp ước dài 16 trang. Hiệp ước Aachen - tên gọi khác của Hiệp ước Hợp tác và Hội nhập Pháp - Đức lần này, là sự bổ sung và phát triển của Hiệp ước Elysée mà hai nước đã ký năm 1963 bởi Tổng thống de Gaulle và người đồng cấp Tây Đức Konrad Adenauer tại Paris, từng đánh dấu việc mối quan hệ Pháp - Đức từ “erbfeinde” (kẻ thù truyền kiếp) chuyển sang thành quan hệ đối tác.
Kỳ vọng thành...thất vọng
Trở lại năm 2017, khi ông Macron, một người châu Âu đầy nhiệt huyết đã nhấn mạnh trong lễ nhậm chức Tổng thống của mình rằng đây là thời điểm lịch sử cần nắm bắt để đối đầu với chủ nghĩa dân tộc. Điều này trở thành tín hiệu tốt để khởi động lại sợi dây liên kết Pháp - Đức. Đối với bà Merkel, người vốn đã tràn trề thất vọng với ba đời Tổng thống Pháp trước đó, thì ông Macron giống như một nhà cải cách thực sự, đang sẵn sàng cải thiện khả năng cạnh tranh và ổn định nền tài chính công của Pháp.
Ông Macron cũng hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho Berlin để cùng Paris cải tổ khu vực đồng Euro và củng cố khả năng phục hồi của EU. Vị Tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp cũng nỗ lực “lấp đầy” chính phủ mình bằng những cá nhân “thân Đức” - từ cấp thủ tướng và bộ trưởng trở xuống - và hiếm khi ra quyết định mà không cân nhắc phản ứng của Berlin.
Tuy nhiên một thực tế trái với kỳ vọng đã dần rõ nét.Mặc cho những tham vọng nhằm “tái sinh EU” đã được ông Macron thể hiện đầy ấn tượng trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne của Pháp hồi tháng 9/2017, những tiềm năng trong thời điểm ban đầu đó đến nay gần như đã tan biến. Điều này càng được phản ánh rõ trong hiệp ước hôm 22/1 giữa Pháp - Đức. Thay vì các kế hoạch lớn dành cho quân đội EU hay một sự đảm bảo với trái phiếu chung châu Âu, hiệp ước mới chủ yếu tập trung vào các quyết định và kế hoạch phối hợp để tăng cường hợp tác giữa các thành phố ở khu vực biên giới hai nước.
Tạp chí uy tín Economist dẫn lời các quan chức đã thể hiện kỳ vọng đối với hiệp ước mới trong việc biến mô hình hợp tác từng được thể hiện trong Hiệp ước Elysée năm 1963 thành một nền tảng cho sự hội tụ của Pháp - Đức. Đó là điều đã khiến “mọi người phải nhớ đến Hiệp ước Elysée trong 56 năm qua” theo giáo sư Henrik Enderlein từ Berlin, trong khi ông thể hiện sự nghi ngờ một thái độ đón nhận tương tự với Hiệp ước Aachen năm 2019.
Khác biệt mấu chốt
Điều khoản quan trọng nhất của hiệp ước mới giữa hai nước được cho có liên quan đến vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh. Theo nữ học giả Claudia Major ở Berlin, Pháp và Đức đang chiếm gần một nửa sức mạnh quân sự của EU, đồng nghĩa với việc nếu hai nước không thông qua, mọi thứ không thể thay đổi. Một lỗ hổng lớn trong vấn đề hợp tác quân sự giữa hai quốc gia đã được chính Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Wolfgang Schäuble chỉ ra, rằng người Đức vốn không cần một đội quân hùng mạnh dựa trên những quan điểm và hiểu biết về chủ quyền, trong khi với Pháp, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Người Đức phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của Pháp vào Libya năm 2011, đồng thời không khỏi nghi ngờ rằng các kế hoạch như Sáng kiến can thiệp châu Âu của Tổng thống Macron là một “mưu mẹo” để khiến những người châu Âu khác phải trả giá cho hành động của người Pháp tại châu Phi. Phản ứng của Paris cũng có phần bất nhất, khi Pháp kịch liệt từ chối nhường ghế thường trực tại Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc cho EU - điều được đánh giá có thể mang cho liên minh tiếng nói giá trị trên vũ đài quốc tế.
Đồng khí tương cầu
Những thách thức kinh tế thì dường như lại đang kéo Đức - Pháp đến gần nhau hơn, đặc biệt là khi thị trường châu Âu phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và một đồng minh Mỹ thiếu tin cậy. Vụ sáp nhập gần đây của hai đối thủ từng “không đội trời chung” trong ngành đường sắt là Siemens (Đức) và Alstom (Pháp) để thành lập một “gã khổng lồ” vận tải mới tại châu Âu nhằm đối phó với đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, chính là một ví dụ cho mối liên kết mang tính hệ quả nói trên.
Tuy nhiên, The Economist dẫn lời một quan chức Pháp nhận định rằng Đức là một quốc gia “không thích những tầm nhìn lớn” và về mặt kinh tế, hiệu suất mạnh mẽ của Đức đang tạo ra sự tự mãn trong nước, cùng với một nỗi lo sợ quá mức về bất cứ điều gì đó có phần “mạo hiểm” ở nước ngoài - như những gì mà người Đức đang nhận xét về các chính sách của Pháp dưới thời Tổng thống Macron.
Hiệp ước Aachen của Pháp - Đức có thể như là dấu hiệu minh chứng cho một năm 2019 ít cơ hội đột phá bởi các cuộc bầu cử nhà nước ở các quốc gia EU - bao gồm cả ở Đức - và làn sóng bạo lực bất ổn từ phong trào biểu tình "Áo vàng" chống chính phủ bắt nguồn từ Pháp. Tuy nhiên vẫn có cơ sở để tin vào sự tồn tại của một liên minh Đức - Pháp, bởi sẽ chẳng có cặp đối tác nào tốt hơn tại EU vào lúc này, đặc biệt là sau một mất mát đến từ Brexit dự kiến hoàn tất vào ngày 29/3 năm nay.