Liên tiếp có người tử vong do ăn nấm
Kinhtedothi - Thời gian gần đây, liên tiếp có những ca tử vong do ăn nấm rừng. Theo các bác sĩ, để phòng tránh ngộ độc nấm, người dân hãy không ăn các loài nấm mọc hoang dại, trừ mộc nhĩ, kể cả khi bạn là chuyên gia về nấm.
Nạn nhân ngộ độc nấm điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: BVCC |
Ngày 8/6, Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đã tiếp nhận, điều trị 3 trường hợp bị ngộ độc rất nặng từ Tây Ninh. Nạn nhân là người trong cùng một gia đình, gồm hai vợ chồng và con gái. 4 ngày trước, hai vợ chồng bệnh nhân đi hái nấm về chế biến, cắt nhỏ xào với mướp và cả gia đình cùng ăn.
Khoảng 8 đến 12 giờ sau khi ăn, cả gia đình có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch, dù bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng người chồng không qua khỏi. Người vợ và con gái hiện đang trong tình trạng suy gan cấp, rối loạn đông máu.
Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân ngộ độc nặng do ăn nấm. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định được loại nấm các nạn nhân đã sử dụng. Theo các bác sĩ, sau 2 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe người con gái đã có cải thiện. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần theo dõi, điều trị liên tục về tình trạng rối loạn đông máu. Người vợ hiện rất nguy kịch, suy gan diễn tiến nặng, hiện đang được lọc máu nhưng tiên lượng khó qua khỏi.
Cùng thời gian, theo thông tin từ UBND huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, địa phương này vừa ghi nhận 6 trường hợp ngộ độc sau khi ăn nấm rừng.
Cụ thể, 6 trường hợp đều cư ngụ tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện vào các ngày 3, 6 và 7/6 trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu. Hiện đã có 2 người xuất viện, 4 người đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Theo thông tin ban đầu, các nạn nhân cho biết đã vào rừng hái nấm trứng gà, trứng ngỗng về ăn. Trong quá trình hái có xen lẫn vài loại nấm có màu đen xám không rõ tên, có hình dáng tương tự nấm than nên đem về chế biến cho gia đình, bạn bè cùng ăn.
Đến ngày 7/6, các nạn nhân bị nôn ói, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần nên gia đình đưa vào Trung tâm y tế huyện cấp cứu và hiện phải đang truyền dịch. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, xác nhận thông tin về các trường hợp nghi ngộ độc do ăn nấm rừng.
Mỗi loại nấm có độc tố khác nhau nên người bị nhiễm độc sẽ bị tấn công vào các cơ quan khác nhau |
Trước đó, ngày 23/2, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân chẩn đoán ngộ độc nấm độc nhập viện vào Trung tâm chống độc ngày 20/2/2023. Đây là 2 bệnh nhân trong gia đình gồm 8 người cùng ăn nấm và 6 người đã bị ngộ độc.
Theo thông tin người nhà cung cấp, sáng 17/2, các anh em họ trong cùng gia đình, có địa chỉ thường trú tại xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đi vào rừng kiểm tra đàn bò của gia đình. Nhìn thấy nấm đẹp, ngon nên hái về nấu canh cho cả gia đình gồm 8 người cùng ăn vào lúc 11 giờ trưa ngày 18/2.
Sau ăn khoảng 12 tiếng, 6 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần, liên tục như nước. Gia đình đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Mai Châu, Hòa Bình sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau đó, 2 trường hợp nặng được chuyển đến Trung tâm Chống độc.
Theo các bác sĩ tại BV Bạch Mai, 2 bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy vẫn rất nhiều, mất nước nặng, nhiễm toan chuyển hóa, viêm gan nặng.
Thậm chí còn có 1 bệnh nhân bị sốc giảm thể tích nặng, các dấu hiệu nhiễm toan, tổn thương gan, suy thận nặng hơn, lại có thêm tổn thương nhiều ở ruột, tụy, tim, rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy tim cấp. Bệnh nhân được điều trị tích cực, giải độc, điều trị sốc, thở máy, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, thay huyết tương… Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân này đã tử vong.
Được biết, trong thời gian qua, các Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc nấm, đa phần là do người dân có thói quen hái nấm dại về sử dụng. Về vấn đề ngộ độc nấm, BS Thủy Ngân, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết, mỗi loại nấm có độc tố khác nhau nên người bị nhiễm độc sẽ bị tấn công vào các cơ quan khác nhau. Một số trường hợp từng bị ảo giác sau khi ăn nấm hoặc rối loạn tri giác, rối loạn chức năng gan, suy thận.
Tình trạng nhiễm độc sau khi ăn nấm có thể khởi phát ngay sau khi ăn cũng có thể khởi phát muộn từ 8 đến 12 giờ. Nhiều trường hợp chỉ có triệu chứng về đường tiêu hóa thường khiến người dân chủ quan, nhập viện trễ khiến tình trạng ngộ độc diễn tiến nặng, khó khăn cho việc điều trị.
Theo BS Thủy Ngân, đến thời điểm hiện nay, việc xác định độc tố ngộ độc nấm thường khó khăn nên giải pháp cứu chữa bệnh nhân chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nấm, gia đình, người thân cần mang theo mẫu nấm hoặc hình ảnh của cây nấm nạn nhân đã sử dụng khi đến bệnh viện cấp cứu. Điều đó sẽ giúp bác sĩ xác định được loại nấm, xác định được độc tố và có giải pháp điều trị tối ưu nhất.
Tránh ngộ độc botulinum khi dùng đồ hộp
Kinhtedothi - Thực phẩm đóng hộp là cách giúp bảo quản thực phẩm lâu, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc như nhiễm độc tố botulinum nếu chế biến, bảo quản không đúng cách.
Phòng tránh ngộ độc botulinum bằng cách nào?
Kinhtedothi - Bảo quản riêng biệt thực phẩm sống và chín, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn… là một số cách phòng chống ngộ độc Botulinum.
Nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng
Kinhtedothi - Hiện nay, các món ăn làm từ côn trùng như ve sầu, âu, bọ xít… được người dân lầm tưởng là thực phẩm từ thiên nhiên nên đảm bảo an toàn. Tuy nhiên thực tế, nhiều người cơ địa dị ứng ăn vào có nguy cơ dẫn đến ngộ độc.