Luật Thủ đô - nền móng quan trọng để xây dựng hạ tầng
Kinhtedothi - Luật Thủ đô 2024 vừa được công bố đã thực sự mang đến những cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho Hà Nội, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, đặt nền móng quan trọng cho xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của TP.
Giải phóng cho nhà đầu tư
Một trong những khó khăn lớn nhất của Hà Nội nhiều năm qua là thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Muốn khơi thông nguồn vốn, tất yếu phải mở một hành lang pháp lý thuận lợi, chắc chắn để thu hút được nhà đầu tư, đồng thời vẫn tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước. Những đòi hỏi thực tiễn đó đã được đáp ứng nhờ có Luật Thủ đô 2024.
Cụ thể, Luật Thủ đô 2024 cho phép Hà Nội bổ sung loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (sau đây gọi là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, DN dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng và chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền sau khi hoàn thành; nhà đầu tư được thanh toán bằng ngân sách Nhà nước hoặc bằng quỹ đất.
Theo luật PPP (không sử dụng vốn T.Ư) hiện nay ko có loại hợp đồng này và là trở ngại, khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án mới cũng như các dự án chuyển tiếp cũ của TP.
Cho phép HĐND TP Hà Nội được phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP mà không giới hạn tổng mức vốn đầu tư. Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, dự án PPP đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và giao UBND TP làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trong trường hợp không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài.
Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, dự án PPP trên địa bàn TP có sử dụng nguồn vốn ngân sách T.Ư, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.
Hà Nội đã xác định mục tiêu phát triển đường sắt đô thị (ĐSĐT), giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng. Việc chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị đều thuộc danh mục các lĩnh vực ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024 đã đưa ra hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho Nhà đầu tư chiến lược để tăng tính hấp dẫn như: miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; ưu tiên về thủ tục hải quan, về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện...
Với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các dự án bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng sẽ được hưởng những ưu đãi như: miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng không gian ngầm trong toàn bộ thời hạn thực hiện dự án; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng sử dụng công nghệ cao; được phép sử dụng tối đa là 25% tổng diện tích sàn xây dựng của dự án theo quy hoạch để đầu tư, khai thác dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động trông, giữ xe...
Những chính sách này có ý nghĩa thiết thực và vai trò quyết định tháo gỡ khó khăn, giải phóng các nhà đầu tư khỏi nỗi lo cơ chế, tăng tính hấp dẫn cho các dự án hạ tầng giao thông.
Gắn phát triển đô thị với TOD
Lần đầu tiên Hà Nội có một khái niệm cụ thể, rõ ràng, được luật hóa về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Luật Thủ đô 2024 đã dành nguyên một điều (Điều số 31) để quy định các nội dung cơ bản về cách thức triển khai thực hiện, thẩm quyền cũng như các cơ chế chính sách thực hiện mô hình này. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho tiến trình phát triển đô thị gắn kết với mô hình TOD.
Đồng thời việc đưa vào Luật Thủ đô 2024 các quy định cơ bản về TOD cũng thể hiện quyết tâm của Hà Nội, cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các Nghị quyết, kết luận quan trọng khác.
Gần đây nhất các nội dung liên quan đến TOD đã được đề cập trong Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và được luật hóa trong Luật Thủ đô 2024. Đây là những tiền đề quan trọng đặt nền móng cho việc gắn kết phát triển đô thị với mô hình TOD.
Điều số 31, Luật Thủ đô 2024 đã cụ thể hóa các định hướng triển khai mô hình TOD kèm theo những cơ chế chính sách cần thiết và bước đầu tháo gỡ được phần nào các tồn tại thông qua việc định hình chiến lược riêng về TOD, xem đây là một giải pháp trọng tâm, ưu tiên để phát triển đô thị bền vững.
Rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới ĐSĐT kết hợp quy hoạch mô hình TOD tại khu vực các nhà ga; depot theo hướng khả thi về khả năng thu hồi đất và phát triển đô thị. Quy hoạch, khai thác triệt để không gian ngầm khu vực nhà ga, depot của các tuyến ĐSĐT trong khu vực nội đô lịch sử (từ Vành đai 3 trở vào) do khu vực này cơ bản đã khai thác hết không gian trên mặt đất, mật độ đô thị cao.
Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến mô hình phát triển TOD trong các luật: Đất đai, Quy hoạch, Đầu tư, Xây dựng… những quy định cũng như hành lang pháp lý có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ.
Trong đó xác định rõ quan điểm ưu tiên việc gắn sử dụng đất với phát triển giao thông công cộng bằng các công cụ lập, quản lý quy hoạch. Thu hồi đất trước để phát triển TOD, hoặc thu hồi giá trị đất và bán sau khi khu vực được phát triển; quy định về các tiêu chí và chỉ tiêu quy hoạch xây dựng các vị trí nhà ga.
Luật Thủ đô cũng cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các dự án TOD trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với nhà đầu tư. Xem xét nghiên cứu đầu tư, phát triển TOD dọc các tuyến ĐSĐT theo hình thức PPP với ba cấu phần.
Một là xây dựng hạ tầng giao thông (đường hầm, cầu cạn, đường sắt) do Nhà nước đầu tư. Hai là hệ thống đầu máy toa xe và hệ thống vận hành do nhà thầu tư nhân đầu tư bỏ tiền xây dựng, vận hành, bảo dưỡng hệ thống, được hoàn vốn từ tiền bán vé hành khách đi tàu theo đơn giá đấu giá trong khung giá do Nhà nước quy định. Ba là xây dựng hệ thống nhà ga và khu vực đô thị nén xung quanh do nhà đầu tư bất động sản thực hiện. Nhà đầu tư được lựa chọn qua đấu giá đất phát triển khu đô thị tổng hợp hiện đại đa chức năng.
Qua thống kê tính toán định hướng quy hoạch dọc theo 14 tuyến ĐSĐT dự kiến sẽ có khoảng 91 điểm, khu vực TOD với tổng diện tích khoảng 6.072ha đất. Với Luật Thủ đô 2024 và hai đồ án quy hoạch của Thủ đô được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (khóa XV) sẽ là cơ sở pháp lý, là điều kiện, cơ hội thuận lợi cho Hà Nội phát triển xứng tầm trong khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò là trái tim của cả nước.
Luật Thủ đô 2024 sẽ được áp dụng từ 1/1/2025. Các quy định trong Luật thực sự là cơ chế chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn triển khai của ngành cũng như khắc phục các tồn tại của Luật Thủ đô trước đây liên quan đến lĩnh vực GTVT.
Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá
Kinhtedothi -Ngày 25/7, Báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức buổi tọa đàm “Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá”. Các chuyên gia đã làm rõ chính sách mới về phân cấp phân quyền, phát triển đô thị, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo khi thực thi Luật Thủ đô.
Sớm đưa Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống
Kinhtedothi - "Chúng tôi kỳ vọng, gợi mở để cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, làm rõ hơn về những chính sách nổi bật trong Luật Thủ đô 2024, tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đối với thực tiễn hiện nay".
Luật Thủ đô 2024: phát huy tính đầu tàu của Thủ đô
Kinhtedothi - Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, nội dung rất quan trọng của Luật Thủ đô 2024 là phát huy tính đầu tàu của Thủ đô - nội dung về liên kết vùng, cho phép Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan…