Mịt mờ cuộc chiến chống khủng bố
Kinhtedothi - Mosul - thành trì của IS bị bao vây suốt 4 tuần qua nhưng quân đội Iraq mới chỉ “chọc thủng” được khu vực phía Đông.
Trận chiến ở Mosul - thành trì lớn nhất bị IS chiếm giữ là hoạt động quân sự lớn nhất tại Iraq trong một thập kỷ nhưng chính phủ Iraq cho biết, cuộc chiến sẽ còn kéo dài. Cuộc chiến giằng co tại Mosul đã kéo dài suốt 4 tuần, trong khi các cuộc không kích của quân đội Nga và Syria tại Aleppo cũng được nối lại sau 3 tuần cho thấy cục diện chưa rõ ràng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Quân đội Iraq trong cuộc chiến ở Mosul. |
Đại tá Ali Abdulla của quân đội Iraq cho biết, các chiến binh của IS đã bị đẩy ra khỏi làng Bawiza và Saada. Tuy nhiên, tiến độ đã bị chậm lại bởi lực lượng khủng bố đang sử dụng người dân làm lá chắn sống. "Việc tiếp cận của chúng tôi đến Hadba rất thận trọng và mất thời gian để có thể giữ được mạng sống của các gia đình và giải thoát họ khỏi sự kìm kẹp của IS" - ông Abdulla nói.
Bên cạnh đó, sau một thời gian dài im lặng, thủ lĩnh của IS đã lên tiếng, đưa ra thông điệp thách thức rằng, lực lượng khủng bố có tổ chức bài bản nhất hiện nay sẽ không dễ dàng bị đánh bại. Điều này cho thấy, dưới áp lực từ các cuộc tấn công tại 2 thành trì lớn nhất, IS đã tính đến việc thay đổi chiến lược.
Trong thông điệp của mình, Baghdadi kêu gọi lực lượng chiến binh ở Algeria, Ai Cập, Libya, Afghanistan, Pakistan, Indonesia, Ả Rập Saudi, Yemen, Philippines, Somalia và Tây Phi quyết chiến. Đây là những nước và khu vực mà IS đã thành lập được các chân rết - là các nhóm bao gồm hàng chục nghìn chiến binh đã cam kết trung thành với “đế chế tối cao”. Baghdadi cũng kêu gọi những kẻ ủng hộ IS ở phương Tây tới các thành trì khác để chiến đấu. Vì vậy, các chuyên gia chống khủng bố cảnh báo, đây chính là thời điểm IS “điên cuồng” thực hiện các âm mưu trả thù đẫm máu và tận dụng lực lượng khủng bố ngoài Iraq và Syria nhiều hơn.
Trong khi đó, Mỹ - quốc gia đóng vai trò quan trọng trong liên minh quốc tế chống IS đang bận rộn với quá trình chuyển giao quyền lực cho Tổng thống kế nhiệm. Điều này khiến nhiều người lo ngại Washington sẽ không làm "tròn vai" là thủ lĩnh trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi Tổng thống đắc cử Donald Trump dường như sẽ tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề đối nội trước. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ cấm toàn bộ người Hồi giáo nhập cảnh và đưa ra tín hiệu về việc sẽ rút bớt các cam kết của Mỹ với các vấn đề toàn cầu. Trong thực tế, lãnh đạo IS đã bắt đầu tuyên bố về kế hoạch đẩy mạnh âm mưu khủng bố trong bối cảnh ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2017. Trước diễn biến này, Abu Omar Khorasani - lãnh đạo IS ở Afghanistan tuyên bố, cách tiếp cận của ông Trump đối với người nhập cư, trong đó có người Hồi giáo sẽ gián tiếp tạo điều kiện cho các tay "tuyển dụng" chiến binh hoạt động ngay trong lòng nước Mỹ.