Mức sinh của Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử
Kinhtedothi - Ngày 11/7, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới và 30 năm thực hiện chương trình hành động về dân số và phát triển.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số, duy trì mức sinh thay thế từ năm 2006 đến nay. Nhờ đó, đã góp phần làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, nhất là vùng khó khăn có mức sinh cao.
Cùng với đó, Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ 2007 và cũng vừa vượt qua mốc 100 triệu dân, tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai.
Đặc biệt, tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hiện nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp. Thêm vào đó, tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già.
Trong khi đó, những lợi thế của cơ cấu dân số vàng mang lại chưa được khai thác tốt. Tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với vùng thành thị, đồng bằng...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong khuyến khích tăng mức sinh ở vùng mức sinh thấp và thích ứng với già hóa dân số, trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư. Do vậy, ngành y tế mong cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật.
Để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, Chiến lược Dân số Việt Nam cũng như mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, Bộ Y tế đã lựa chọn chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và đầu tư cho công tác dân số của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tại lễ mít tinh, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế Lê Thanh Dũng cho rằng, Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2 - 2,1 con/phụ nữ suốt thời gian qua nhưng có nguy cơ không duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, do xu thế mức sinh xuống thấp.
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp tại các tỉnh, TP phía Nam, đã làm mức sinh của toàn quốc năm 2023 xuống còn 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử. Mức sinh này được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Khi mức sinh thấp, ảnh hưởng suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…
Ngoài ra, dân số Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an sinh khi tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già.
Hà Nội quy định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư là 3,6 người/căn hộ
Kinhtedothi - Ngày 27/5, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 34/2024/QĐ-UBND quy định về phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp và một số công trình có lưu trú khác trên địa bàn TP Hà Nội, có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2024.
Tây Hồ: tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 83,29% dân số
Kinhtedothi – Ngày 18/6, Quận uỷ Tây Hồ đã có buổi làm việc với Chi bộ Bảo hiểm xã hội quận về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Hà Nội cải thiện dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng dân số
Kinhtedothi - Ngày 4/7, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7) với chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.