Năm 2023: Ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát đặc biệt ngân hàng yếu kém
Kinhtedothi - Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tiếp tục kiểm soát đặc biệt ngân hàng yếu kém.
Tăng trưởng tín dụng gần 13%, tỷ giá tăng 3,81%
Tính đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nếu tính đến hôm nay, tín dụng tăng trưởng 13% và huy động đạt 6%” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Về định hướng nhiệm vụ năm 2023, NHNN cho biết sẽ điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Làm rõ thêm, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Chí Quang chia sẻ, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen. Với chính sách tiền tệ, năm 2022 cực khó khăn, các dự báo đều bị thay đổi. Chính sách tiền tệ các nước từ hỗ trợ nền kinh tế sau Covid sang thắt chặt một cách nhanh chóng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, chỉ số USD-index tăng cao nhất trong 20 năm qua, đã tác động tới kinh tế Việt Nam. Năm 2023 khả năng kinh tế thế giới được dự báo đi vào suy thoái. Trong nước, lạm phát dưới 4% nhưng quan ngại lạm phát lõi, lạm phát cơ bản cao. Tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66%. Nhưng đến cuối năm tăng trên 4%. Lạm phát cơ bản tăng cao nhất trong 10 năm qua.
“Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong khi Việt Nam rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. NHNN sẽ cố gắng tham mưu điều hành duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho đối tượng khách hàng phù hợp” - ông Phạm Chí Quang chia sẻ.
Về tỷ giá, thị trường cơ bản ổn định, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 3,81% so với cuối năm 2021, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới. Nhưng không có nghĩa chủ quan trong năm 2023 giữa bối cảnh đồng USD còn nhiều biến động.
"Ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Trong giai đoạn 2021 - 2026, NHNN sẽ triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Ngân hàng quy mô lớn sẽ tiếp tục được mở rộng, ngân hàng yếu kém sớm có đề án hoàn thiện chuyển giao bắt buộc... Trong đó đáng chú ý, Phó Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng SCB.
Cho vay tín dụng BĐS hợp lý, sửa quy định cho vay hỗ trợ lãi suất 2%
Năm 2023, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Về tín dụng cho BĐS, NHNN yêu cầu làm sao đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh. NHNN cũng có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro ở nhóm khách hàng dự án lớn, phân khúc cao cấp. Đồng thời “cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án BĐS nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.
Về triển khai gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN thừa nhận số tiền hỗ trợ lãi suất kết quả chưa được như kỳ vọng ban đầu. Đến cuối tháng 11, số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ đạt khoảng 78 tỷ đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) Hà Thu Giang cho hay, 2 nguyên nhân chính là tâm lý e ngại của khách hàng khi tham gia vì phải tuân thủ các thủ tục kiểm tra, hậu kiểm chiếm 60 - 70% và vấn đề đánh giá khả năng trả nợ, phục hồi.... Nguyên nhân thứ 3, các nhóm DN thuộc hộ kinh doanh, một số khách hàng vay ngoại tệ không thuộc đối tượng, một số khách hàng được hỗ trợ bằng ngân sách địa phương rồi nên theo quy định không được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, DN kinh doanh đa ngành nghề rất khó bóc tách thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ.
Theo bà Giang, có tới 60 - 70% DN không có nhu cầu vay do e ngại. Bản thân các DN mong muốn hướng tới hỗ trợ trực tiếp ví dụ như miễn giảm thuế… Bà Giang cho biết NHNN đang sửa theo hướng tiêu chí đáp ứng khả năng phục hồi của DN. Đặc biệt, NHNN đã có 2 tờ trình báo cáo Chính phủ và đề xuất điều chuyển nguồn tiền sang cho vay chương trình giải quyết việc làm, hỗ trợ DN miễn giảm thuế...
Siết tín dụng bất động sản, người mua nhà bị vạ lây
Kinhtedothi - Việc ngân hàng mạnh tay "siết" cho vay bất động sản (BĐS) khiến nhiều người có nhu cầu ở thực lo ngại vì không thể tiếp cận vốn để mua nhà.
Cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%: Thực hiện đúng quy định, đối tượng
Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại giải ngân nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng không được hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng...
Vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng
Kinhtedothi - Gói hỗ trợ tài chính 40.000 tỷ đồng theo chỉ đạo tại Nghị định 31/2022/NQ-CP vẫn đang hoạt động, Ngân hàng Nhà nước đã nới thêm 2% room tín dụng. Nhưng đến thời điểm này, DN bất động sản (BĐS) vẫn đang thiếu vốn trầm trọng.