Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nền kinh tế Trung Quốc có thực sự phục hồi sau đại dịch?

Kinhtedothi - Nền kinh tế Trung Quốc dường như đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, cần phải thận trọng với những nguy cơ tiềm ẩn.

Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi kinh tế sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và mở cửa trở lại. Những bi quan đối với triển vọng kinh tế của Trung Quốc trước đây dường như thái quá, khi mà mọi thứ đang dần chuyển biến tích cực hơn.

Vào giữa tháng 1/2023, Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos rằng: “Nếu chúng ta đủ chăm chỉ, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ quay về đúng quỹ đạo cũng như sẽ cải thiện hơn nữa vào năm 2023”.

Minh chứng cho nhận định trên, vào hôm 30/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2023 sẽ là 5,2% - tăng 0,8% so với tháng 10.

Tuy nhiên, việc lượng cầu của Trung Quốc tăng đột biến có thể khiến cho tình hình lạm phát trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù vậy, triển vọng kinh tế toàn cầu có vẻ khả quan hơn trước bất chấp những cảnh báo về việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế phương Tây có thể dẫn đến suy thoái trở lại.

Tại Davos, ông Liu cho biết các cải cách của Trung Quốc sẽ tập trung chủ yếu vào việc ổn định chuỗi cung ứng cũng như hỗ trợ kinh tế tư nhân.

Ông nói với giới thượng lưu trong một cuộc gặp mặt tại Davos rằng: “Một số người cho rằng Trung Quốc sẽ theo hướng nền kinh tế kế hoạch. Tuy nhiên, điều này là không thể”.

Ngay lập tức, bài phát biểu của ông đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ những người tham dự.

Lời phát biểu của vị phó thủ tướng này đã giúp nhen nhóm niềm tin rằng nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ phục hồi sau những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách zero-Covid.

Tuy nhiên, ông Liu cũng lo ngại về những khó khăn mà “quốc gia tỷ dân” đang phải đối mặt. Đặc biệt là những khó khăn cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc - ngay trước khi Covid-19 xuất hiện - vẫn còn tồn tại cho đến nay. Điển hình sẽ là sự đi xuống của thị trường bất động sản.

Vào đầu tháng 1/2023, nghiên cứu của nhà kinh tế học Harvard Kenneth Rogoff tại một hội thảo do Hiệp hội Kinh tế Mỹ tổ chức đã khiến cho những người tham gia thị trường phải sửng sốt. Chỉ trong vòng 1 năm, giá bất động sản tại các thành phố nhỏ của Trung Quốc - chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội - đã giảm khoảng 20% kể từ đầu năm 2021.

Ngành bất động sản và các lĩnh vực ngoại vi chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Vào thời điểm khó khăn nhất, China Evergrande Group đã phải gánh khoản nợ lên đến hàng trăm tỷ USD.

Không chỉ vậy, giống như Evergrande, những công ty khác vẫn có nguy cơ đổ vỡ.

Ông Liu nhấn mạnh: “Nếu không được xử lý đúng cách, rủi ro trong lĩnh vực nhà ở có thể lan ra toàn hệ thống”.

Việc đặt quá nhiều niềm tin vào Trung Quốc có phải là một sai lầm? Liệu chính quyền Trung Quốc có thể chèo lái con thuyền này đi đúng hướng? Quốc gia này cần phải thận trọng hơn nữa trước những đợt suy thoái tiếp theo.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ