Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ngắm Đà Nẵng, Huế từ thủy phi cơ

Kinhtedothi - Du lịch bằng thủy phi cơ còn khá mới lạ và xa xỉ với nhiều du khách Việt. Tuy nhiên, đây thực sự là một trong những trải nghiệm vô cùng đáng giá trong hành trình khám phá hai thành phố miền Trung - Đà Nẵng và Huế.

Từ thành phố xanh…
Đà Nẵng và Huế nằm liền kề nhau và là trái tim của miền Trung, luôn nằm trong danh sách những địa danh cổ kính và yên bình nhất của Việt Nam, nơi mà người dân cũng như du khách quốc tế đều muốn ghé thăm dù chỉ một lần.
Là vùng đất mang trong mình nhiều kỳ quan và di sản, hành trình bay Đà Nẵng - Huế hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm trải nghiệm du lịch, văn hóa và lịch sử độc đáo nhất tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Dù đã đến Huế và Đà Nẵng cả chục lần, hay thậm chí ngay cả người dân bản địa cũng chẳng thể tưởng tưởng được, từ thủy phi cơ, cố đô và Đà thành tráng lệ, kiều diễm đến nhường nào. Chuyến bay từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đến Sân bay Quốc tế Phú Bài - Huế kéo dài 40 phút trên chiếc Cessna Grand Caravan 208-EX không chỉ rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa hai điểm đến mà còn mang đến cho chúng tôi những góc nhìn tuyệt đẹp mà đi đường bộ sẽ không thể có được.
 Một góc Kinh thành Huế nhìn từ thủy phi cơ. 
Kể từ lúc cất cánh lên bầu trời, đôi mắt bạn sẽ khó nhìn đi đâu khác ngày chiếc cửa sổ máy bay. Hồi hộp, vui sướng, ngỡ ngàng… nhịp thở của các “thượng đế” dường như dài hơn bởi những cảm xúc. Không hổ là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, Đà Nẵng trong những năm trở lại đây chứng kiến một tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, thể hiện rõ nét qua sự quy hoạch đầy chỉn chu ngăn nắp hay qua các công trình kiến trúc nổi bật trong thành phố như bờ sông Hàn, cầu Rồng,… điều mà du khách chỉ có thể nhìn nhận một cách toàn vẹn nhất ở một độ cao hợp lý.
Từ thủy phi cơ, bờ biển Đà Nẵng với chiều dài 30 km hiện lên trọn vẹn trong một khung cảnh thật rực rỡ và mê hoặc. Nước biển xanh ngắt vỗ sóng dịu dàng lên bờ cát trắng, những cánh thuyền ngư dân mộc mạc, nhiều sắc màu nối đuôi nhau, bồng bềnh trên mặt nước tranh thủ những giờ phút thảnh thơi trước ngày ra khơi thực hiện nhiệm vụ.
Màu xanh thẳm của biển cả đưa tôi đến với màu xanh ngắt của cây rừng khi qua bán đảo Sơn Trà, nơi bạn có thể chiêm ngưỡng tượng phật Bà Quan Âm cao nhất Việt Nam giờ đã trở thành một điểm nhấn đẹp trong tổng thể bức tranh sơn thủy hữu tình.
… đến cố đô tráng lệ
Băng qua màu xanh bất tận của biển Đà Nẵng, chiếc thủy phi cơ tiếp tục đưa du khách bay qua đèo Hải Vân - nơi được bình chọn là một trong những con đường ven biển đẹp nhất thế giới. Chẳng mấy chốc, Đại Nội kinh thành Huế hiện lên ngay trước mắt tôi thật uy nghiêm như một minh chứng hùng hồn của lịch sử trường tồn mãi với thời gian.
Được xây dựng từ năm 1804, hệ thống cung điện gồm hơn 100 công trình lớn nhỏ được hoàn chỉnh vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Vốn mới chỉ được ngắm nhìn qua báo ảnh, nếu không có chặng bay ngắm cảnh này tôi sẽ không bao giờ biết được cố đô Huế lẫy lừng một thời lại tráng lệ đến thế. Tầm nhìn trên cao sẽ cho du khách chiêm ngưỡng một kinh thành Huế, một Đại nội rất khác mà bình thường khó quan sát thấy.
Đó là một tổng thể đã đạt đến đỉnh cao phong thủy, đầy chỉn chu với hệ thống tường thành, hào nước thẳng tắp, uy nghiêm, đầy khuôn phép của một trung tâm quyền lực thời xưa dưới triều Nguyễn, nhưng đồng thời cũng rất hài hòa, trầm tĩnh với rất nhiều mảng xanh mướt của Ngự Hoa Viên, hồ nước và các loại cây lưu niên trải đều khắp công trình. Kiến trúc cung đình dưới tầm nhìn độc đáo như đưa tôi vượt thời gian hồi tưởng về một giai đoạn lịch sử Việt Nam đầy thăng trầm và kiêu hãnh.
Tiếp tục hành trình trải dài hơn 24km chính là đầm phá Tam Giang nổi bật với điểm tựa của ba con sông lớn nhất thành phố Huế. Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế, nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Ngày nay, phá Tam Giang được biết tới là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á; đồng thời cũng là một trong những điểm du lịch đẹp hấp dẫn bậc nhất ở Huế bởi nét đẹp hoang sơ, vắng lặng, bình yên khiến ai ai cũng phải choáng ngợp.
Đặc biệt, với các hãng hàng không vận tải thông thường, bạn sẽ được yêu cầu không sử dụng, thậm chí tắt sóng điện thoại để đảm bảo an toàn bay. Nhưng với thủy phi cơ, bạn có thể thoải mái sử dụng điện thoại để liên lạc hay truy cập internet, do vận hành với sóng tín hiệu khác với máy bay dân dụng; đồng thời bay ở tầm thấp cho phép bạn sử dụng sóng điện thoại tùy theo ý muốn.
Chưa hết, nhờ được trang bị radar định vị hiện đại, thủy phi cơ vẫn ưu tiên kỹ năng dẫn đường và phương thức lái bằng mắt VFR (Visual Flight Rules). Nhờ đó, những chiếc phi cơ sẽ linh hoạt hơn, dễ dàng bay tầm thấp hoặc lướt trên mặt nước. Đội ngũ phi công giàu kinh nghiệm có thể đảm bảo an toàn và đem đến trải nghiệm bất ngờ, độc đáo cho du khách.
Các thiết bị kỹ thuật số được khuyến khích để ghi lại khoảng khắc độc đáo trong suốt chuyến đi. Nên sẽ thật đáng tiếc nếu bạn quên mang máy ảnh, máy quay. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, bạn đã có thể tạo ra những bức hình, thước phim cực kỳ sống động trên chiếc phi cơ cao cấp.
Kết thúc 40 phút hành trình Đà Nẵng - Huế, du khách sẽ cảm thấy lâng lâng với trải nghiệm bay quá sống động và ấn tượng với những khung cảnh mới, màu sắc mới và đọng lại dấu ấn khó phai.

Chuyến bay có sức chứa 12 hành khách, khoang hành khách liền với khoang của phi công. Cũng bởi thế, mỗi phi công sẽ là một hướng dẫn viên mang đến cho bạn những điều thú vị và bất ngờ.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Mang Tết ấm đến với công nhân, người lao động Thủ đô

Mang Tết ấm đến với công nhân, người lao động Thủ đô

19/01/2025 | 15:39

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhằm chăm lo, hỗ trợ thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tập trung nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ người lao động khó khăn, với tổng số tiền trên 42 tỷ đồng.

Cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xanh và kỹ thuật số

Cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xanh và kỹ thuật số

19/01/2025 | 14:45

Kinhtedothi – Báo cáo Triển vọng việc làm và Xã hội thế giới 2025 cho thấy, việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tăng lên 16,2 triệu trên toàn thế giới nhờ sự đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng hydro.

Tin tài trợ