Monday, 21:14 11/03/2019
Ngăn dịch tả lợn châu Phi bùng phát: Linh hoạt cơ chế hỗ trợ
Kinhtedothi - Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, trong khi giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, gần chạm mốc hỗ trợ tiêu hủy của Nhà nước là 38.000 đồng/kg.
Bài toán đặt ra lúc này là cấp thiết phải linh hoạt cơ chế hỗ trợ để ổn định tâm lý phòng chống dịch của người dân.
Băn khoăn chính sách hỗ trợ
Dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch nhưng dịch tả châu Phi vẫn đang lây lan rất nhanh. Hiện nay, dịch tiếp tục xuất hiện ở Quảng Ninh và Ninh Bình, đưa số địa phương có bệnh lên 13 tỉnh, thành.
Để hỗ trợ người chăn nuôi vực dậy sau dịch bệnh và chủ động khai báo khi có dịch, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án thanh toán hỗ trợ cho người dân 80% giá thị trường. Do chưa có văn bản hướng dẫn chính thức nên thực tế hiện nay các địa phương có dịch tả lợn châu Phi vẫn đang thực hiện thống kê và hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ với mức 38.000 đồng/kg.
Hiện giá lợn tại khu vực miền Bắc đang dao động từ 38.000 - 42.000 đồng/kg và vẫn có chiều hướng tiếp tục giảm. Ghi nhận tại một số vùng chăn nuôi trọng điểm của Hà Nội, giá lợn xuất tại chuồng đã giảm xuống mức 38.000 - 39.000 đồng/kg, tương đương mức hỗ trợ của Nhà nước cho lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy.
Tuy nhiên, theo nhiều hộ chăn nuôi lợn rừng, lợn nái, lợn đực giống, mức giá này vẫn thấp hơn nhiều trị giá của con lợn. Đặc biệt, nếu giá lợn tiếp tục giảm trong thời gian tới thì người chăn nuôi những đối tượng vật nuôi này. Tuy địa phương chưa bùng phát dịch tả lợn châu Phi nhưng ông Nguyễn Văn Giới, thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới cơ chế hỗ trợ cho lợn bị dịch buộc phải tiêu hủy.
Theo ông Giới, cần phân loại rõ mức hỗ trợ đối với loại lợn thương phẩm và lợn nái, lợn đực giống. Bởi nếu giá thị trường xuống quá thấp thì người dân sẽ không được lợi bằng quy định hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay. Nhiều người cũng lo ngại, khi giá thị trường xuống quá thấp, người dân sẽ lơ là công tác phòng dịch để được hỗ trợ với mức cao hơn.
Bộ NN& PTNT đã đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Đồng thời bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến |
Đáng chú ý, có hiện tượng thương lái ép giá, thậm chí thông tin sai lệch về dịch cũng như chính sách hỗ trợ khiến một số trang trại, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ rủ nhau “bán tháo” đàn lợn. Khi những thông tin này chưa rõ ràng thì nông dân cũng chưa thể yên tâm giữ đàn và thực hiện đầy đủ các phương án phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Đề xuất hỗ trợ 80% giá trị
Ông Nguyễn Văn Thích, thôn 1, Trung Châu, Đan Phượng hiện đang chăn hơn 600 con lợn. Trong đó có 90 lợn nái và 10 lợn đực chia sẻ: "Chúng tôi rất phấn khởi vì sự vào cuộc quyết liệt cùng chính sách hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành và Chính phủ. Chúng tôi mong muốn Nhà nước có mức hỗ trợ lợn bị dịch buộc phải tiêu hủy bằng hoặc sát với giá thị trường. Bởi, thực tế, thị trường luôn biến động, nếu giá lợn xuống thấp nữa cũng sẽ không gây xáo trộn tâm lý người chăn nuôi".Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi giá lợn hơi liên tục giảm như hiện nay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng kiến nghị: Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm quyết định và công khai phương án hỗ trợ để người chăn nuôi có thể yên tâm duy trì đàn lợn, góp phần đảm bảo thị trường thịt lợn không bị xáo trộn. Khi có thông tin hỗ trợ chính thức, người chăn nuôi sẽ thực hiện “5 không” như không giấu dịch, không bán chạy… để giữ ổn định đàn lợn.
“Hiện Sở NN&PTNT cùng Sở Tài chính đang trình UBND TP phương án hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mức hỗ trợ được đưa ra là 80% so với giá thị trường” - ông Đăng cho biết và khẳng định thêm, đây là mức hỗ trợ một phần thiệt hại sau dịch bệnh cho người chăn nuôi, chứ hoàn toàn không phải là đền bù thiên tai, dịch bệnh.
Ông Đăng cũng khuyến cáo, người chăn nuôi không nên quá hoang mang, cần cố gắng giữ ổn định chăn nuôi, nhất là đối với đàn lợn nái. Bởi sau khi dịch đi qua, dự báo thị trường sẽ thiếu hụt một số lượng thịt lợn nhất định. Nếu số lợn nái bị hao hụt, người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi tái đàn để bù đắp cho thị trường.