Nhà ở xã hội tiếp tục "khát"... vốn
Nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội ngày càng tăng trong khi nguồn lực ngân sách không đủ thực hiện, do đó Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị bố trí khoảng từ 500 - 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện cho thấy, hiện có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, có đến 10.000 cán bộ công chức, 39.000 hộ thu nhập nghèo, cận nghèo và 17.000 lao động trong khu công nghiệp có các nhu cầu nói trên. Hầu hết các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội, chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi nhu cầu thuê mua căn hộ tăng lên nhưng nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chính sách nhà ở xã hội vẫn “dậm chân tại chỗ” thì sẽ gây nên nhiều bất lợi cho chủ đầu tư lẫn khách hàng. Do đó, việc tăng nguồn vốn từ ngân sách cho việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn khó có thể giải quyết kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể.
Nhu cầu thuê mua căn hộ tăng lên nhưng nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chính sách nhà ở xã hội vẫn “dậm chân tại chỗ” |
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc bố trí gấp nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong năm 2016 còn nhiều nhập nhằng. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang bị ách tắc. Trên thực tế, việc chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách do đang có những ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến không đồng tình về việc Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội. Bởi lẽ, theo Bộ Xây dựng, chương trình cho vay này đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ.
“Tôi cho rằng, nguồn vốn phục vụ kế hoạch thực hiện chính sách nhà ở xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 phụ thuộc vào khả năng chi ngân sách Nhà nước hàng năm”, ông Châu nói.
Chính vì thế, HoREA thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét đề xuất bố trí khoảng từ 500 - 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Đồng thời, HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm quy định cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định để thúc đẩy thực hiện chính sách nhà ở xã hội trên thực tế (có thể áp dụng tương tự chính sách tạo nguồn vốn tín dụng và cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây).
Ngoài ra, HoREA còn kiến nghị người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại (hiện nay khoảng 7%/năm) đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng.