Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nhìn lại một năm khủng hoảng của Mỹ Latinh

Kinhtedothi - Năm 2016 đánh dấu một năm khủng hoảng của khu vực châu Mỹ Latinh cả về kinh tế và chính trị.

Một loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo vướng cáo buộc tham nhũng
Năm 2016 là năm mà một loạt các lãnh đạo, cựu lãnh đạo các nước Nam Mỹ dính vào cáo buộc tham nhũng, đẩy các quốc gia vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Tại Brazil, từ sau vụ tham nhũng tại Công ty dầu khí quốc gia Petrobas bị phanh phui từ tháng 3/2014, chính trường Brazil đã gặp cơn chấn động mạnh. Hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil.
 Cựu Tổng thống Brazil Dilma.
Cũng trong năm 2016, cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị luận tội sử dụng ngân sách trái phép và bị Quốc hội nước này phế truất, chấm dứt 13 năm cầm quyền của đảng Lao động.
Cựu Tổng thống Argentina Fernandez.

Không chỉ tại Brazil, vừa qua, Thẩm phán liên bang  Argentina đã quyết định truy tố cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner vì tội tham nhũng, cố ý chiếm giữ ngân quỹ dành cho các công trình đường bộ công cộng trong khoảng thời gian từ tháng 5/2003 - 12/2015. Trong số 11 người bị truy tố, còn có cựu Bộ trưởng Kế hoạch Julio de Vido và Thứ trưởng Bộ Công trình Công cộng Jose Lopez.
Hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Macri đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo thế giới bị cuốn vào bê bối Hồ sơ Panama. Theo trang Straits times, trong hồ sơ này, ông Macri được liệt kê là giám đốc của 2 công ty - một đăng ký ở Bahamas và một ở Panama. Ông Macri không nêu 2 công ty này vào tờ khai tài chính khi trở thành Thị trưởng Buenos Aires hay trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, ông Macri khẳng định không làm gì sai trái và các công ty đó được thành lập bởi cha ông, một nhà kinh doanh giàu có.
Khủng hoảng chính trị kéo theo khủng hoảng kinh tế
Một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị đã tạo ra một gam màu xám trong tình hình kinh tế đi xuống tại Nam Mỹ. Hiện khoảng 12 triệu người dân Brazil đang thất nghiệp. Hiện kinh tế Brazil đang chìm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ thập niên 50. 
Nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ cũng đang lún sâu vào suy thoái khi tăng trưởng âm 3,8% trong năm 2015 và được tiếp tục giảm 3% trong năm 2016. Trong cả năm 2017, Chính phủ Brazil dự đoán kinh tế sẽ tăng trưởng 1%. 

Tổng thống mới Michel Temer đã nhanh chóng tập hợp những chuyên gia hàng đầu về kinh tế để tìm giải pháp cho tình hình hiện nay. Tuy nhiên, không có nhiều chuyên gia cho rằng tình hình Brazil sẽ thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới.

Trong khi đó, Venezuela ước tính suy giảm 11,3% trong năm 2016 và đây là năm thứ 3 liên tiếp kinh tế quốc gia Nam Mỹ này tăng trưởng âm. Các chuyên gia dự báo, kịch bản tương tự sẽ tiếp diễn vào năm tới.

 Người dân Venezuela xếp hàng vì khan hiếm thực phẩm.
Lâm vào khủng hoảng kể từ khi giá dầu giảm sâu sau 3 năm, kinh tế của Venezuela gần như tê liệt, đồng nội tệ mất giá, lạm phát tăng cao. Người dân phải xếp hàng dài trong các siêu thị vì khan hiếm các mặt hàng thiết yếu, thậm chí vượt biên sang nước láng giềng Colombia để mua thực phẩm đã cho thấy mức độ sâu rộng của cuộc khủng hoảng ở Venezuela.

Còn tại Argentina, những cáo buộc tham nhũng đối với người đứng đầu chính quyền tiền nhiệm khiến kinh tế nước này được dự báo giảm đi 2% trong năm nay. Tổng thống Argentina Mauricio Macri quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính Alfonso Prat-Gay và cải tổ đội ngũ nhân sự của Bộ này.

Ông Prat-Gay là người chịu trách nhiệm chính trong một loạt cải cách theo định hướng thị trường, khiến đồng Peso bị mất tới 1/3 giá trị và đưa tỉ lệ lạm phát thường niên tăng lên mức hơn 40%. Các chính sách cải cách khác do ông Prat - Gay điều hành, như việc loại bỏ trợ giá cho lĩnh vực giao thông vận tải công cộng, điện và khí đốt cũng đã làm người dân bức xúc. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Macri thay đổi nội các kể từ khi ông lên nắm quyền hơn một năm trước nhằm loại bỏ triệt để tham nhũng tại Argentina.

Các cuộc khủng hoảng tại Nam Mỹ đều có một điểm chung là xuất phát từ các cáo buộc tham nhũng liên quan đến đội ngũ lãnh đạo ở các nước này. Điều này đã bộc lộ căn bệnh trầm kha tham nhũng của Nam Mỹ.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ