Nobel Kinh tế năm 2016: Tôn vinh những người “kiến tạo” hợp đồng
Kinhtedothi - Giải Nobel Kinh tế năm 2016 đã chính thức thuộc về 2 nhà khoa học Oliver Hart và Bengt Holmström nhờ những đóng góp cho “lý thuyết hợp đồng”.
Do bản chất của những mối quan hệ này bao hàm các mâu thuẫn lợi ích, hợp đồng cần phải được thiết kế hợp lý để đảm bảo có lợi cho đôi bên. Theo Hội đồng xét giải, 2 nhà khoa học được tôn vinh năm nay đã phát triển “lý thuyết hợp đồng”, một khuôn khổ toàn diện để phân tích các vấn đề đa dạng trong thiết kế hợp đồng. Từ những nghiên cứu ban đầu, Hart và Holmström đã phát triển “lý thuyết hợp đồng” thành một lĩnh vực đa dạng cho các nghiên cứu căn bản. Trong vài thập niên vừa qua, họ cũng đã khám phá ra nhiều ứng dụng của nó. Phân tích của họ về các thỏa thuận hợp đồng tối ưu đã đặt nền móng tri thức cho việc hoạch định chính sách và thể chế trong nhiều lĩnh vực, từ luật phá sản cho đến các hiến chế chính trị.
Bên cạnh đó, việc Nobel Kinh tế năm 2016 vinh danh “lý thuyết hợp đồng” cũng mở ra những “khiếm khuyết” xung quanh vấn đề lao động. Trong đó, đáng lưu ý là mâu thuẫn giữa người lao động và người điều hành thường xuyên xảy ra do tác động từ nhiều phía. Điển hình là việc nhà lãnh đạo các DN vừa muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời cắt giảm chi phí mà đáng lẽ ra người lao động có quyền hưởng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, muốn giải quyết mẫu thuẫn trên, ưu tiên hàng đầu của những người đứng đầu DN là phải có giải pháp vừa nâng cao chất lượng mà vẫn đảm bảo được nguồn lợi chính đáng cho người lao động.
Trước khi Giải Nobel Kinh tế 2016 được công bố, ngay cả những người trong cuộc cũng không hề có một chút ý niệm ai sẽ được vinh danh. “Không có chút manh mối nào, ngay cả tin đồn cũng không” - GS Michael Spence, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2001 xác nhận. Tất nhiên, một số chuyên gia cũng chỉ ra việc quết định trao giải Nobel Kinh tế cho ai cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố chính trị. Ví dụ như, nếu trao giải cho nhà kinh tế học thương mại Jagdish Bhagwati (82 tuổi) người Mỹ gốc Ấn thì đó sẽ là một thông điệp mạnh mẽ để hướng sự chú ý của quốc tế đến các lợi ích của thương mại tự do, trong bối cảnh mà chính sách này đang hứng chịu nhiều chỉ trích khắp châu Âu và Mỹ…