Nông nghiệp Hà Nội phải là điển hình của cả nước về khoa học công nghệ
Kinhtedothi - Hà Nội đang phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn. Trong đó khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất song hành với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngày 11/1, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành NN&PTNT Hà Nội năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Tốc độ tăng trưởng 2,6%, dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, năm 2022 dù đối mặt với nhiều khó khăn song ngành đã duy trì và đạt mức tăng trưởng đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 trên địa bàn TP ước tăng 2,58% so cùng kỳ.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước năm 2022 đạt trên 40.600 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt đạt hơn 16.200 tỷ đồng, tăng hơn 2,7%; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 19.900 tỷ đồng, tăng gần 2,5%; giá trị sản xuất dịch vụ nông nghiệp đạt 875,8 tỷ đồng, tăng 1,9%.
Cơ cấu ngành chuyển dịch tích cực, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 91,26%, lâm nghiệp 0,23%, thủy sản 8,51%.
Đáng chú ý, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn TP có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Những mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường, điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Nhà máy sản xuất nấm Kim châm công nghệ Nhật bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức); Công ty CP Giống gia súc Hà Nội.
Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay TP có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 3 huyện đăng ký hoàn thành trong năm 2022, gồm các huyện: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức. Kết quả thực hiện đến nay và dự kiến kết quả xây dựng NTM đến hết năm 2022. Trong đó, huyện Ứng Hòa đã được Đoàn thẩm tra TP thẩm định, hiện đang hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để làm cơ sở báo cáo UBND TP theo quy định. Huyện Ba Vì, huyện Mỹ Đức đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí, phấn đâu hoàn thành huyện NTM trong năm 2022; hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quý I/2023.
Đặc biệt, tính đến đầu tháng 12/2022, qua kết quả rà soát của các huyện, thị xã, TP có 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tăng 32 xã so với kế hoạch TP giao.
Năm 2023, ngành Nông nghiệp Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 2,5 - 3%; phấn đấu tăng thêm 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trở lên.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp. Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 1.649 sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sinh thái
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp Thủ đô. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song ngành đã chủ động liên kết, kết nối thị trường, bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Điển hình, nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp đã và đang dẫn đầu cả nước như chương trình OCOP, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… Bên cạnh đó, sự chuyển dịch, ứng dụng công nghệ cao đã giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng đạt mục tiêu, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế Thủ đô.
Về định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp Thủ đô sẽ có nhiều khó khăn, thách thức song cũng có những lợi thế. Khó khăn thách thức lớn nhất là tốc độ đô thị hoá Hà Nội cao, diện tích sản xuất còn manh mún, nông dân còn chưa mặn mà với sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, Hà Nội cần có hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô. Ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, tập trung phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thị; hình thành các kênh phân phối; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp.
“Lãnh đạo TP luôn trăn trở làm sao để nông nghiệp Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Với những thành quả đã đạt được, 1 tập thể và 1 cá nhân của Sở NN&PTNT được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều cá nhân, tập thể được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen; Chủ tịch UBND TP tặng Cờ thi đua xuất sắc; danh hiệu “Chiến sĩ thi đua thành phố” năm 2022; danh hiệu Tập thể xuất sắc; Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng toàn diện
Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt 21.454 tỷ đồng, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước.
Để nông nghiệp Hà Nội phát triển xứng tầm
Kinhtedothi - Nông nghiệp Hà Nội đang tồn tại nhiều điểm nghẽn nên chưa thể phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Do đó, để trở thành hình mẫu lý tưởng của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nông nghiệp Hà Nội năm 2022 tăng trưởng ấn tượng
Kinhtedothi - Năm 2022, vượt khó khăn do giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, diễn biến thời tiết bất thường, ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì đà tăng trưởng khá cao. Kết quả đạt được nhờ TP đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp, bám sát thị trường.