Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

“Nước cờ” đi trước của Tổng thống Donald Trump

Kinhtedothi - Ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ, ông chủ Nhà Trắng hôm 7/11 (giờ địa phương) đã bất ngờ bổ nhiệm lại Bộ trưởng Bộ Tư Pháp.

Động thái được cho là nhằm "bảo toàn" cho vị trí Tổng thống của ông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Việc đảng Dân chủ giành đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử ngày 6/11, đồng nghĩa với việc khả năng cao ông Trump sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống 2016. Xa hơn nữa, là nguy cơ bị luận tội, nếu phe Dân chủ tìm đủ bằng chứng cho thấy ông và đội ngũ thân cận có liên quan tới việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống.

 Cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Bộ trưởng Tư pháp Sessions từ chức không gây ngạc nhiên bởi điều này đã manh nha cách đây không lâu. Hồi tháng 8 năm nay, ông Sessions đã có cuộc "khẩu chiến" khá căng thẳng với Tổng thống Trump khi ông chủ Nhà Trắng chỉ trích Bộ trưởng Bộ Tư pháp không kiểm soát được cơ quan của mình, để Công tố viên đặc biệt Mueller tự do tiến hành cuộc điều tra nhằm vào ông Trump và các cố vấn. 

Quá trình từ chức của ông Jeff Sessions cũng khá chóng vánh và vào thời điểm đặc biệt, bên cạnh đó cái tên thay thế cho vị trí của ông được Tổng thống Trump công bố gần như ngay lập tức. Đó là Matthew Whitaker, tham mưu trưởng của ông Sessions, là người nổi tiếng với nhiều chỉ trích đối với cuộc điều tra của ông Mueller. 

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp còn khẳng định ông Whitaker sẽ đảm nhận vai trò giám sát hoạt động của công tố viên đặc biệt Robert Mueller và văn phòng của ông này - một nhiệm vụ trước nay vốn thuộc về Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein. 

Điều này đã buộc các nhà Dân chủ Mỹ lập tức lên tiếng bởi những lo sợ rằng ông Whitaker, với quan điểm rất “hợp lòng” Tổng thống, có thể thu hẹp phạm vi điều tra của công tố viên đặc biệt hoặc hạn chế kinh phí cho nhiệm vụ của ông này. Theo CNN, không loại trừ khả năng quyền Bộ trưởng của ông Whitaker còn có thể kiểm soát cả việc công bố các báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra Nga, hay thậm chí là sa thải ông Mueller.

Củng cố vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc này là sự đón đầu cao tay của ông Trump. Tuy nhiên Đảng Dân chủ có một "vũ khí" sẽ phát huy tác dụng sau khi có kết quả bầu cử giữa kỳ.

Trước những lo ngại rằng Tổng thống có thể cách chức ông Mueller, một dự luật đã được đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 4 năm nay với nội dung quy định điều kiện để sa thải một công tố viên đặc biệt là phải có lý do chính đáng. 

Dự luật này bị lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell bác bỏ. Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi, khi cuộc bầu cử giữa kỳ mang lại thế đa số tại Hạ viện cho Đảng Dân chủ, tiến tới giúp Đảng này thay đổi “số phận” cho dự luật mang nhiều ý nghĩa với việc bảo toàn chức vụ và cuộc điều tra gần 2 năm qua của ông Mueller.

Như vậy, sau cuộc "trưng cầu dân ý" phân quyền Quốc hội Mỹ, ông Trump đã sớm có nước cờ đi trước để bảo vệ bản thân, cũng là bảo đảm lợi thế cho Đảng mình, trước các nguy cơ từ các cuộc điều tra của Hạ viện. Tuy nhiên hiệu quả của nó đến đâu thì vẫn còn phải chờ tới tháng 1/2019, khi các hạ nghị sỹ Dân chủ bắt đầu vào vị trí.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ