"Phải lòng" mùa thu Hà Nội
Kinhtedothi - Hà Nội đang bước vào những ngày thu đẹp nhất và cũng là thời điểm khiến nhiều người yêu Thủ đô nhớ nhung nhất trong năm.
Đó là khi ánh nắng mùa thu trong vắt như những hạt pha lê chiếu rọi qua các hàng cây xanh, đẹp mơ màng, nhẹ nhàng lấp ló xen vào ô cửa sổ mỗi buổi sớm mai. Đó là những cơn gió heo may khiến không khí hơi se lạnh đang đưa đẩy ngoài phố. Một thứ gió đặc biệt đến nỗi khi nhớ về nó người ta có thể thấy lòng dịu lại, ngóng trông cho đến mùa thu dù là giữa mùa hè đổ lửa, hay mùa đông buốt giá. Thứ gió ấy đặc biệt hơn khi nó lan tỏa hương thơm mát lành, ngọt ngào đặc trưng của hoa sữa, của ngọc lan. Hương thơm ấy phảng phất khắp mọi ngõ phố của Thủ đô trong những buổi chiều tan tầm. Hít thật sâu, thở thật nhẹ khiến lòng người nhẹ bẫng, tan biến dần những mệt mỏi, căng thẳng của một ngày bộn bề với công việc.
Mùa thu Hà Nội còn khiến người ta nao nao mong nhớ bởi có những cơn mưa mang không khí mát lành, mang tiết trời dịu dàng về với Hà Nội sau những ngày oi bức. Mưa đầu thu bao giờ cũng là những cơn mưa rào như thể trút hết những buồn bực, nặng nề tích tụ từ những ngày nắng. Và người ta nhớ tới mùa thu Hà Nội càng không thể nào quên được những thức quà đặc trưng như hương cốm non, sấu chín. Ở Hà Nội, cốm vào mùa thu mới thật sự hợp và khiến người ta cảm thấy hạnh phúc khi được nhấm nháp. Niềm vui khi mua được cốm giữa trời thu thực sự là một kiểu niềm vui bé xíu mà ta cứ nhớ mãi, nhớ hoài quanh năm. Cốm Hà Nội chỉ ngon nhất trong mấy tháng thu, rồi hồng chín, rồi hồng ngâm... Và có lẽ một thức quà đơn giản mà những người trẻ tuổi đều nhớ khi xa Hà Nội là sấu chín. Bởi người ta chỉ có thể thưởng thức sấu chín vào những ngày thu thôi, qua đoạn vài tháng mùa thu, sẽ chẳng còn những gánh bán quả dầm, sấu chín vàng lựng. Miếng sấu chín thấm muối ớt, vừa chua lại giòn sần sật, ngòn ngọt, rồi mặn và cay từ muối ớt quyện vào thật đều.
Hơn thế nữa, Hà Nội vào thu càng trở nên xao xuyến, có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn mỗi người, ấy là qua những ca khúc bất hủ về Thủ đô khi vào mùa thu. Những giai điệu được viết nên bởi những trái tim yêu Hà Nội đến thiết tha và đã đi vào lòng người như những giai điệu đẹp nhất của âm nhạc.
Báo Kinh tế&Đô thị điện tử xin mời độc giả cùng hòa nhịp cảm xúc vào những ca khúc bất hủ về mùa thu Hà Nội:"Hà Nội mùa thu" (nhạc sĩ Vũ Thanh)“Hà Nội mùa thu” đích thực là một bản tình ca ở sự chân thành, sâu sắc, ở cái không khí của bài hát, cái giai điệu toát lên vị ngọt ngào, vẻ dìu dặt, mê say chỉ có trong tình yêu. Còn ai đó muốn chờ đợi cái cụ thể cuả tình yêu thì đây: “Em bên anh, ta bước đi nghe lòng nghĩ suy gì”.Lời ca da diết mang nỗi nhớ khắc khoải về mùa thu "năm ấy" được thể hiện qua từng câu hát đi vào lòng người. Phần video của nhạc phẩm này ngày trước với hình ảnh nữ ca sĩ Thùy Dung duyên dáng bên cây đàn piano trong ngôi nhà cổ, được coi là một trong những hình ảnh đại diện của thiếu nữ Hà Nội lúc bấy giờ và đã trở nên khó phai trong tâm trí người hâm mộ. Hà Nội Mùa Thu còn mang ý nghĩa về sức sống mãnh liệt của thủ đô: từng phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ với những khó khăn, gian khổ nhưng Hà Nội "vẫn ngát xanh, xanh mùa thu". Đây cũng là ca khúc gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Thùy Dung.
"Có phải em là mùa thu Hà Nội" (nhạc sĩ Trần Quang Lộc, thơ Tô Như Châu)Những giai điệu ngọt ngào và lãng mạn của Có phải em là mùa thu Hà Nội đã làm đắm say biết bao thế hệ người yêu nhạc Việt Nam. Tuy không sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng với những tình cảm xuất phát từ tận đáy lòng mình dành cho mảnh đất này, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã tạo nên một tác phẩm bất hủ về mùa thu. Không rõ được tác giả sáng tác vào lúc nào, cũng không rõ từ bao giờ, nhạc phẩm Có phải em là mùa thu Hà Nội đã trở nên thân thuộc với người yêu nhạc Việt Nam và thường vang lên mỗi độ thu về.Ca khúc lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ, khi tình yêu giữa đất và người vừa chớm nở đã phải chia xa. Ca khúc có mặt trong hầu hết list nhạc của người yêu Hà Nội. Từng có nhiều giọng ca thể hiện ca khúc này nhưng có lẽ Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất ca khúc này. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội”: “Năm 1985, tôi cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời sang thăm. Khi trở về, tôi ở lại Hà Nội một tháng. Mỗi sáng, tôi và Thái Bá Vân (nhà phê bình mỹ thuật) đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống - bay lên”. Ca sĩ Khánh Ly, trong một lần thể hiện ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội, cũng chia sẻ ấn tượng về Hà Nội của bà không nhiều. Thế nên, khi Trịnh Công Sơn viết cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ thì bà hình dung được nhưng “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” thì phải đến khi nhạc sĩ giải thích, bà mới hiểu ra. Đó là những chú chim sâm cầm bay đi tránh rét mà nhạc sĩ gặp ở Hồ Tây trong chuyến công tác nọ. Hình dung về Hà Nội của Trịnh Công Sơn được góp nhặt phong phú, lại được lan truyền rộng rãi chỉ bằng vài tình tiết trong khoảnh khắc giao mùa.
"Đoản khúc thu Hà Nội" (Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)Là một trong hai sáng tác nổi tiếng viết về mùa thu Hà Nội của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Đoản khúc thu Hà Nội mang vẻ nhẹ nhàng, ấm áp cũng giống như nhịp sống lặng lẽ, âm thầm của Hà Nội. Nếu như ở nhạc phẩmNhớ mùa thu Hà Nội, tác giả thể hiện những rung động trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với những hình ảnh đầy màu sắc của mùa thu Hà thành, thì ở ca khúc này hình ảnh về thành phố nghìn năm lại là một "mùa thu tràn nỗi nhớ"."Chiều Hà Nội" (Nhạc sĩ Vũ Quang Trung)
Bản tình ca nổi tiếng Chiều Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Quang Trung đã đem đến cho người nghe những dư vị ngọt ngào của tình yêu với hình ảnh những chiếc lá vàng rơi đầy lãng mạn. Mùa thu đánh thức những khao khát yêu thương trong mỗi con người, khiến cho những trái tim đồng điệu hòa cùng nhịp đập. Không gì có thể diễn tả được vẻ đẹp của buổi chiều thu Hà Nội, khi những tia nắng dịu dàng của buổi cuối ngày chiếu rọi qua từng góc phố với tiếng chuông ban chiều ngân vang.
Chiều Hà Nội ra đời vào năm 1993, khi ấy nhạc sĩ Vũ Quang Trung còn rất trẻ và anh đã gửi gắm vào trong từng câu hát cả tâm hồn lãng mạn của một chàng trai Hà thành. Những giai điệu tuyệt vời ấy đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục đem đến sự đắm say cho mùa thu Hà Nội và cho cả những người đang yêu.
"Im lặng đêm Hà Nội" (Nhạc sĩ Phú Quang, thơ Phạm Thị Ngọc Liên)
Cũng là một sáng tác nổi tiếng về mùa thu Hà Nội nhưng Im lặng đêm Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang lại mang những giai điệu buồn da diết. Lời tâm sự buồn của cô gái trẻ về mối tình đầu tan vỡ được diễn ra trong một đêm thu Hà Nội với "hương hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ", "trăng lạnh mờ sương", "không gian dạ hương sâu thẳm" và cả "tiếng chim đêm khắc khoải".Đêm, là khoảng thời gian mà những trái tim cô đơn thường tìm đến những khoảng lặng trong tâm hồn mình, là lúc những ký ức ngày xa xưa chợt ùa về.
Đêm cuối thu Hà Nội mang đến những cơn gió se lạnh, những hạt sương đêm ướt đẫm lại càng khiến cho nỗi cô đơn càng trở lên mênh mông, quạnh vắng hơn. Lúc này, người thiếu nữ ấy chỉ mong muốn tìm được một tâm hồn đồng điệu để xoa dịu đi sự trống trải, mà tại sao lại khó đến vậy? "Chỉ còn em, còn em im lặng đến tê người". Im lặng đêm Hà Nộiđi sâu vào lòng người không phải bởi nó buồn mà trên hết, những giai điệu ấy có thể chạm tới sâu thẳm những cảm xúc lắng đọng trong mỗi chúng ta.
"Hoa sữa" (Nhạc sĩ Hồng Đăng)
Xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ của nữ đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1978, Hoa sữa đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng riêng trong đời sống âm nhạc. Lời ca nói về sự chia ly của những đôi tình nhân, về nỗi mong mỏi người yêu của một người thiếu nữ, nhưng mỗi khi câu hát "hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm" vang lên, người nghe thường nghĩ ngay tới mùa thu Hà Nội bởi chỉ có thu Hà Nội mới có mùi hương hoa sữa nồng nàn - một nét đặc trưng mà không nơi nào có được.Chính vì vậy Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng mãi sống trong tiềm thức của người yêu nhạc Việt Nam như là một trong những ca khúc hay nhất về mùa thu Hà Nội. NSND Lê Dung là người đầu tiên thể hiện ca khúc này nhưng đến những năm 90, Hoa sữa lại được khán giả biết đến nhiều hơn qua giọng ca của nữ ca sĩ Thanh Lam.
"Hương ngọc lan" (Nhạc sĩ Anh Quân, Dương Thụ)Anh Quân tâm sự, cũng như những người con Hà Nội khác, mùa thu với anh luôn rất đặc biệt bởi đó là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa thu tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm, cảm xúc của con người, nhất là đối với giới nghệ sỹ của như anh.Có điều đặc biệt trong những sáng tác viết về Hà Nội của anh …không có từ nào là Hà Nội. Nhưng khi khán giả nghe và cảm nhận, họ đều thấy rằng đó chính là những ca khúc viết về Hà Nội bởi những nét đặc trưng nhất của Hà Nội đều được anh đưa vào bài hát.“Tôi có thể nói ngay đó là bài hát “Hương ngọc lan”. Không ở đâu có những góc phố có cây ngọc lan và mùi hương ngọc lan đặc trưng như Hà Nội. Đó là những nét rất riêng của Hà Nội, nó mang hơi thở của mùa thu Hà Nội”."Hương ngọc lan" do Anh Quân – Dương Thụ sáng tác nằm trong album “Tóc ngắn” của Mỹ Linh ra mắt năm 2000. Bài hát là câu chuyện của một cô gái đối thoại với người yêu ở một góc phố vào chiều cuối thu. Đó là góc phố kỷ niệm, ngạt ngào mùi hoa ngọc lan, một mùi hương rất đặc trưng của mùa thu và Hà Nội. Bài hát đã được rất nhiều ca sĩ trẻ hiện hiện lại dưới nhiều bản phối khác nhau nhưng đi vào lòng người nhất vẫn là bản gắn với giọng hát Mỹ Linh."Hà Nội đêm trở gió" (Nhạc sĩ Chu Lai, Trọng Đài)
Vào năm 1993, lần đầu tiên bài hát "Hà Nội đêm trở gió” được trình diễn qua giọng hát của ca sĩ Tuyết Tuyết trong một vở kịch cùng tên của nhà văn Chu Lai do Nhà hát kịch Hà Nội công diễn tại rạp Công nhân - Hà Nội.Tuy là tác phẩm viết riêng cho vở kịch nhưng bài hát "Hà Nội đêm trở gió" của nhạc sĩ Trọng Đài với âm điệu trữ tình, sâu lắng đã nhanh chóng đến với giới yêu nhạc cả nước.Hà Nội đêm trở gió, với những giai điệu trữ tình thắm đượm tình cảm sâu sắc dành cho thủ đô đã trở thành một nhạc phẩm bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Trọng Đài đã sáng tác ca khúc này trong những năm tháng xa tạm quê hương để đi du học tại Nga. Hà Nội đêm trở gió là cuộc hành trình của tác giả tìm về những kỷ niệm đẹp đẽ từ thời ấu thơ thân thương với Hà Nội ngày trước.